Về xã Hồng Dân vấn vương hương bánh tráng
Một ngày đầu tháng 7, bon bon trên đường bê-tông ở ấp Thống Nhất, xã Hồng Dân, tạo ấn tượng trước mắt chúng tôi là những liếp bánh tráng trắng tinh vừa được người dân tráng xong, đem phơi để đón tia nắng sớm đầu ngày. Những tia nắng vàng ươm rọi xuống, cho những chiếc bánh khô, vừa độ dẻo, ngon, mang hương vị đặc trưng của làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi.
Dọc hai bên đường ở ấp Thống Nhất, không khó để thấy những liếp bánh tráng đan bằng tre hoặc lá dừa trải thẳng tắp trước sân nhà của các hộ dân làng nghề. Chiếc bánh tráng mỏng, trắng nằm ngay ngắn trên liếp, nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, góp phần tạo nên sự nhộn nhịp vừa đủ cho vùng quê vốn yên ả, thanh bình.

Người dân phơi bánh đầy sân, tạo nên vẻ đẹp yên bình của làng nghề truyền thống.
Là nghề truyền thống của gia đình nên người làm nghề cũng không phân biệt nữ hay nam, nhưng đa phần đã đứng tuổi. Để làm ra những chiếc bánh mộc mạc mang đậm vị quê hương và được lòng người dân trong, ngoài tỉnh, cần khá nhiều công đoạn.
“Muốn làm được những mẻ bánh ưng ý, phải chọn cho được loại gạo thích hợp. Gạo được ngâm, xay thành bột mới đem pha. Xong công đoạn này thì đến khâu tráng và phơi bánh”, ông Lê Văn Lèo chia sẻ.
Theo nghề cha mẹ đã nhiều năm nay, mỗi ngày, ông Lèo thường phụ vợ tráng bánh, đem ra sân phơi. Khi bánh đã khô đủ độ, ông lại thu gom bánh vào nhà, chia thành từng chục, từng trăm để bán sỉ, lẻ.

Phơi bánh tráng được trải phơi trên liếp đan bằng lá dừa.
Nếu tráng bánh thủ công, người dân sẽ đặt lên bếp lò một nồi nước, trên miệng nồi có căng sẵn tấm vải để làm khuôn, khi nước sôi bốc khói, dùng vá múc bột đã pha sẵn trước đó đổ lên khuôn, tráng một lớp mỏng rồi đậy kín lại. Đợi bánh chín đều, người tráng dùng đũa lớn lấy bánh ra, trải nhanh lên liếp, đem phơi.
Để phù hợp với xu thế, bên cạnh những hộ dân còn giữ cách làm truyền thống, một số hộ ở ấp Thống Nhất đầu tư máy tráng bánh, giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian và nhân công. Cùng với bánh tráng truyền thống có vị mặn nhẹ, còn có bánh tráng ngọt với đường, mè đen, nước cốt dừa, nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người dùng. Chiếc bánh phơi khô vừa thơm nắng, quyện với mùi bột gạo, thêm chút mặn mòi... tạo nên hương vị đặc trưng.

Bánh tráng Hồng Dân được ưa chuộng bởi độ dẻo, ngon.
Làng nghề bánh tráng truyền thống ở ấp Thống Nhất nhộn nhịp nhất vào thời điểm cận Tết, còn những lúc mưa lại khá đìu hiu, vì không có nắng để phơi bánh.
Chị Trần Châu Pha, xã Vĩnh Lộc, cho biết: “Nhà tôi ở gần đây nên từ thời mẹ tôi, nay đến tôi, trở thành khách hàng thân thiết của bà con làm nghề bánh tráng. Mỗi năm tôi mua vài ngàn cái, không chỉ dùng trong gia đình mà còn làm quà tặng bạn bè trên tỉnh, kể cả ở phương xa. Quà quê nhưng được ưa chuộng lắm, bởi bánh có độ dẻo, ngon, có thể vừa dùng cuốn ăn trực tiếp, lại có thể dùng cuốn chả giò, đem chiên. Điều đặc biệt của bánh tráng Hồng Dân là bánh không bị khô, gãy”.

Niềm vui của người dân khi được làm công việc truyền nối của gia đình.
Được biết đến là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, xã Hồng Dân hiện còn giữ được các nghề truyền thống như: làm bánh tằm, rèn dao, dệt chiếu, đan đát lục bình thủ công mỹ nghệ, làm mắm cá trắm cỏ... Mộc mạc, bình dị nhưng mang hương vị riêng không thể hòa lẫn, những sản phẩm thủ công của Hồng Dân đã “níu chân” biết bao du khách. Những người con xa quê luôn nhớ thương, vấn vương hương vị quê nhà...
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ve-xa-hong-dan-van-vuong-huong-banh-trang-a115504.html