Về xứ Thanh đến đền Trần làng Thổ Khối
Đền thờ Trần Hưng Đạo, làng Thổ Khối bề thế đẹp đẽ nằm sát bờ phía đông Tống Giang ngảnh mặt về hướng Nam lung linh soi bóng bên dòng sông Tống.

Đền thờ Trần Hưng Đạo nhiều lần trùng tu tôn tạo. Ảnh: Như Cương
Dấu tích lịch sử vùng đất Tam Giang
Làng Thổ Khối có từ lâu đời, bây giờ là làng nông thôn mới, kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Làng nằm ở phía Bắc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, giáp với xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn (tách ra từ huyện Hà Trung năm 1981), cách đường quốc lộ 1A - Đường sắt Bắc - Nam chưa đầy 2km về phía hạ lưu con sông Tống Giang. Nơi đây cũng là hợp lưu của ba con sông Long Khê từ huyện Thạch Thành chảy qua xã Hà Long đổ về Tống Giang (sông Tống) và Hoạt Giang (sông Hoạt), xã Hà Dương (nay là Yên Dương) là hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi. Phía Tây Bắc là dãy núi đá vôi Tam Điệp - Ninh Bình sừng sững hùng vĩ như bức tường thành vững chắc lợi hại cả thế công lẫn thế thủ, là vị trí chiến lược quân sự hiểm yếu được cha ông ta tận dụng trong các cuộc kháng chiến để đánh thắng giặc ngoại xâm.
Theo tư liệu lịch sử, sau hai lần (1258 và 1285) giặc Nguyên - Mông hùng mạnh nhất lúc bấy giờ đem quân chinh phạt nước ta bị thất bại nặng nề. Năm 1286, để báo thù giặc Nguyên là Hốt Tất Liệt sai con là thái tử Thoát Hoan đưa 50 vạn quân sang xâm lược nước ta lần thứ ba. Nhằm bảo toàn lực lượng Hưng Đạo vương cùng vương hầu tôn thất, điều động lực lượng, chuẩn bị vũ khí, thuyền bè sẵn sàng ứng chiến với giặc. Được nhà vua cử làm tổng chỉ huy cuộc kháng chiến, Trần Hưng Đạo và bề tôi nhà Trần đã đưa vua Trần Nhân Tông cùng Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông tạm rút lui chiến lược vào Thanh Hóa bằng đường thủy qua cửa biển Thần Phù - Sông Hoạt, huyện Nga Sơn, chọn vùng đất Thổ Khối làm căn cứ phòng ngự để củng cố lực lượng, quân lương, luyện tập binh sĩ chờ thời cơ... Đầu năm 1288, được tin tướng Toa Đô rời Thuận Hóa vượt biển ra Bắc, Hưng Đạo Vương lập tức cùng quân sĩ thần tốc lên đường chặn đánh giặc, tướng Toa Đô tử trận, quân ta thừa thắng tiến đến cửa Bạch Đằng tiêu diệt giặc, quét sạch quân xâm lược Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập cho dân tộc. Trần Hưng Đạo được vua Trần phong làm Hưng Đạo Đại vương năm 1289.
Tại vùng đất Tam Giang, làng Thổ Khối nơi 3 con sông Long Khê, Tống Giang, Hoạt Giang hợp lưu, hiện vẫn còn lưu lại dấu tích về hành dinh của vua tôi nhà Trần chống giặc Nguyên - Mông cách đây bảy thế kỷ. Tương truyền, tại vùng đất sình lầy này khi con voi chiến khổng lồ được võ tướng nhà Trần là Dã Tượng nuôi dạy thuần phục đưa Hưng Đạo Vương tới gần sông Hoạt thì bị sa lầy, càng vùng vẫy càng lún sâu, voi rống lên một tiếng và nước mắt tuôn ra giàn giụa rồi dần lún sâu xuống bùn… Cảm kích trước nghĩa tình của con voi, Hưng Đạo Vương bèn rút thanh gươm chỉ xuống dòng sông Hoạt mà thề rằng: “Trận này không phá tan quân giặc quyết không trở về dòng sông này nữa”. Các tướng sĩ thấy vậy đều lấy làm cảm kích vô cùng. Voi chiến của Hưng Đạo Vương mãi mãi nằm lại nơi đây. Khi làm thủy lợi (năm 1976), nhân dân đã đào được một quả chuông đồng hình con voi, là một minh chứng cho câu chuyện dân gian về “Mả Voi”. Nơi đây vua tôi nhà Trần dùng làm cơ sở bàn việc quân cơ là một gò đất nổi gọi là Nền Ấn. Tục truyền rằng, để khích lệ quân sĩ, nhân dân huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay), mỗi gia đình chuẩn bị sẵn một nắm cơm và con cá đồng nướng làm thức ăn động viên nghĩa quân thần tốc đánh giặc. Ngày nay, nhân dân địa phương vẫn giữ được nghi lễ và đồ dâng cúng đặt ở cung đệ nhất đền thờ Hưng Đạo Vương một “mo cơm và một con cá nướng” trong các ngày giỗ chính, lễ hội, lễ khai ấn hàng năm.
Vó ngựa hung hãn quân Nguyên - Mông 3 lần hòng thôn tính nước ta nhưng đều thất bại nặng nề, mộng “bành trướng” của quân xâm lược phương Bắc bị tan vỡ. Địa danh Tam Giang - Thổ Khối mà Hưng Đạo Vương cùng vua tôi nhà Trần lập cơ sở phòng ngự bàn kế sách tiêu diệt giặc đã để lại dấu ấn lịch sử muôn đời. Mùa thu, ngày 20 tháng 8 âm lịch, niên hiệu Hưng Long năm thứ 8 (1300), Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời tại phủ đệ Vạn Kiếp, được phong Thái sư phụ Thượng quốc công nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Để tưởng nhớ và thành kính tri ân. Làng Thổ Khối đã lập đền thờ tưởng nhớ thành kính tri ân, dựng bia khắc ghi công lao to lớn người anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự mưu lược xuất chúng, tài đức vẹn toàn để noi gương lưu truyền hậu thế. Hưng Đạo Vương được nhân dân tôn là “Đức Thánh Cả” và gọi là “Cha”. Để tránh tên Húy (Trần Quốc Tuấn), nhân dân thường gọi Ngài là Hưng Đạo Vương, Thánh Cả, Đức Thánh Trần. Câu nói dân gian: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” vần còn lưu truyền đến ngày nay.

Cung điện thờ Mẫu tại di tích quốc gia đền thờ Trần Hưng Đạo. Ảnh: Như Cương
Đền Trần Hưng Đạo, di sản văn hóa quốc gia
Đền thờ Trần Hưng Đạo, làng Thổ Khối bề thế đẹp đẽ nằm sát bờ phía Đông Tống Giang ngảnh mặt về hướng Nam lung linh soi bóng bên dòng sông Tống. Tương truyền, ngôi đền ban đầu là tranh tre mái lá đơn sơ. Tấm bia đá còn lưu giữ tại đền thờ có nội dung ca ngợi công đức, sự nghiệp lớn lao của Trần Hưng Đạo đánh giặc giữ nước và ngôi đền được trùng tu vào năm Tự Đức thứ 3 (1850). Năm Thành Thái thứ hai (1889), khi giặc Pháp xâm lược các tỉnh Miền Đông Nam bộ rồi tiến ra Bắc Kỳ, triều đình nhà Nguyễn phái đại thần Tôn Thất Thuyết ra Bắc dẹp giặc. Khi qua vùng đất Thổ Khối được biết có ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo, Tôn Thất Thuyết vào khấn vái rồi hứa nếu được Đức Đại vương phù hộ thắng trận này sẽ về tâu trình với triều đình cho trùng tu xây dựng lại đền. Tôn Thất Thuyết tiếp tục tiến quân, giết được tên quan hai Pháp tại Cầu Giấy Hà Nội, thắng trận trở về tâu với vua Nguyễn, vua bèn ban sắc cho nhân dân Thanh Hóa và Phủ Hà Trung xây dựng lại ngôi đền khang trang bằng vật liệu gạch nung, mái lợp ngói theo kiểu kiến trúc thời Trần.
Vật đổi sao dời, thời gian bào mòn hủy hoại và qua những lần trùng tu, ngôi đền hiện mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Đền gồm cung tiền đường 78m2, lợp ngói; Bái đường (sân) 26m2; Hậu cung (chính tẩm) 35m2 theo kiểu chữ đinh (J) chia làm 4 cung, trong cùng là cung cấm đặt long ngai bài vị Đức Thánh Trần. Lưu giữ được một số hiện vật cổ, pho tượng, đồ thờ tự… Nhân dân và khách thập phương quyên góp trùng tu ngôi đền năm 1988 hoàn thành vào năm 1992, đúc tượng Ngài và đúc chuông bằng đồng, năm 1997 nhân dân cung tiến pho tượng Đức Thánh bằng gỗ đặt tại cung đệ nhị, đặt tượng Thánh Mẫu bên tả và Đức Quan thế âm bồ tát bên hữu ban thờ nhà trung đường, hoàn thành nhà thờ Mẫu năm 1989, trùng tu xong nhà tiền đường và các công trình khác năm 2006.
Ngày nay, theo thông lệ hàng năm xã Yên Dương, huyện Hà Trung và địa phương khác trong nước có đền thờ Trần Hưng Đạo đều tổ chức lễ giỗ (ngày kỵ) 20/8 Âm lịch, lễ hội truyền thống từ 19 - 21/8 Âm lịch, lễ khai ấn vào 14 - 15 tháng giêng Âm lịch. Lễ hội nhằm tri ân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về công lao to lớn của người anh hùng dân tộc nước Đại Việt cùng với vua tôi nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi giành độc lập dân tộc ở thế kỷ 13.
Đền Trần làng Thổ Khối ở xứ Thanh được xếp hạng di tích quốc gia năm 1996, là điểm đến du lịch tiềm năng và hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa vào các ngày lễ hội trong năm.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-xu-thanh-den-den-tran-lang-tho-khoi-a28638.html