VECOM: Sàn thương mại điện tử khó truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các sàn thương mại điện tử phải thực hiện xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành nền tảng.

Trong khi đó, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, các yêu cầu này vượt quá khả năng thực hiện trên thực tế và gây nhiều quan ngại cho ngành thương mại điện tử.

Dự thảo luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh minh họa: TL

Dự thảo luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh minh họa: TL

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có quy định trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Đáng chú ý, trong khoản 35 Điều 1 của dự thảo yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải thực hiện xác minh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành nền tảng.

Góp ý đối với dự thảo này, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các bộ, ngành liên quan.

Theo văn bản, dù mục tiêu cuối cùng của Điều 1.35 Dự thảo Luật là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mục tiêu đúng đắn nhưng cách tiếp cận hiện tại lại thiếu sự phân định rõ ràng giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ra ngoài chức năng cốt lõi của nó, gây chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.

VECOM cho biết, dự thảo luật đang đưa ra các biện pháp quản lý không phù hợp với vai trò trung gian của sàn thương mại điện tử và vượt quá khả năng thực hiện trên thực tế. Các sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ và thẩm quyền để thực hiện các yêu cầu của dự thảo. Lý do là sàn thương mại điện tử không có chức năng điều tra, kiểm định, phân tích kỹ thuật hay thẩm quyền can thiệp vào quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa để xác minh tính xác thực của thông tin sản phẩm.

Thực tế, các nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định pháp luật, lưu trữ và cung cấp thông tin đó cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

Việc yêu cầu sàn xác minh nguồn gốc và giám sát chất lượng một cách chủ động là bất hợp lý, đẩy doanh nghiệp vào vai trò mà cả về pháp lý lẫn kỹ thuật đều không đảm bảo và tiềm ẩn nguy cơ bị quy trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát.

Hiệp hội này cũng cho rằng việc giao cho doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là các sàn thương mại điện tử thực hiện các biện pháp vốn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là chưa hợp lý.

Các sàn thương mại điện tử nội địa do có pháp nhân tại Việt Nam nên sẽ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của dự thảo. Trong khi các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cung cấp dịch vụ vào Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân, lại không chịu các nghĩa vụ tương đương. Sự bất đối xứng này tạo ra rào cản cạnh tranh nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng “bảo hộ ngược”.

Theo VECOM, trong dài hạn, việc duy trì những quy định bất hợp lý có thể khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa cân nhắc việc chuyển địa điểm đăng ký sang các thị trường có môi trường pháp lý thuận lợi hơn để duy trì khả năng hoạt động xuyên biên giới.

Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử nước ngoài sẽ càng không có động lực thành lập pháp nhân tại Việt Nam để né tránh quy định. Vì vậy, VECOM cho rằng Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên tập trung vào việc bảo đảm hàng hóa tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đúng với phạm vi điều chỉnh chuyên biệt của luật này. Điều này sẽ tạo ra sự phân định rõ ràng hơn về chức năng quản lý nhà nước của Luật.

Minh Hiếu

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vecom-san-thuong-mai-dien-tu-kho-truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa/