Vì sao 3 cây sưa chết khô ở hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa được chặt hạ như dự kiến?
Cơ quan chức năng vẫn đang tính toán phương án bảo quản gỗ sau khi chặt hạ những cây sưa chết khô ven hồ nên chưa tiến hành chặt hạ như dự kiến.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Kim Quỳnh, Phó phòng Quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật (Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc chặt hạ 3 cây sưa bị chết khô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được cấp phép.
Tuy nhiên, các cơ quan vẫn phải thống nhất về phương án bảo quản gỗ sau khi chặt hạ các cây sưa. Do đó, chưa tiến hành chặt hạ như dự kiến là vào ngày 18/4.
"Đơn vị cùng Sở Xây dựng, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội, Chi cục Kiểm lâm, Công ty Công viên cây xanh và các cơ quan liên quan đang thống nhất về phương án bảo quản gỗ sau khi chặt, nên đến nay những cây sưa bị chết chưa được hạ xuống", ông Quỳnh cho biết thêm.
Nói về việc chặt hạ những cây sưa, ông Quỳnh cho hay: "Một, hai hôm tới đây thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thống nhất phương án bảo quản gỗ và thời gian chặt hạ. Sau đó, sẽ thông tin đến Báo Giao thông".
Trước đó, Báo Giao thông liên tiếp có bài viết: "Cụ" sưa quý chết khô ở hồ Gươm, tiềm ẩn nguy hiểm cho du khách", "Vì sao Hà Nội để cây sưa quý cả chục tỷ chết khô?", phản ánh về việc cây sưa đỏ có tuổi thọ gần 100 tuổi, cao khoảng hơn 10m, đường kính thân 70cm, giá trị ước tính vài chục tỷ bị chết khô, thân tróc vỏ.
Sau đó, các cơ quan chức năng đã khảo sát và lên phương án xử lý những cây chết tại vườn hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) để đảm bảo cho người dân, du khách và mỹ quan đô thị.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong vườn hồ Hoàn Kiếm có 5 cây xanh bị chết, gồm 3 cây sưa, 1 cây bằng lăng và 1 cây muồng.
Trong đó, những cây sưa này gồm 1 cây sưa đường kính 59cm, cao 10-12m ở bên bờ hồ khu vực đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng bị chết từ năm 2019. Hai cây sưa đỏ khác chết khô nằm ở khu vực gần đồng hồ hoa Thụy Sỹ (Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay), có đường kính từ 35-40cm, cao từ 5-10m.
Tiếp đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về kế hoạch chặt hạ và bảo quản gỗ, củi những cây sưa.
Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận về việc xem xét, cho phép đơn vị được tổ chức thực hiện chặt hạ các cây bị chết nêu trên để đảm bảo cho người dân, du khách và mỹ quan đô thị. Dự kiến, việc chặt hạ được tiến hành vào ngày 18/4.