Vì sao các Big Oil tăng tốc đầu tư vào công nghệ CCS?
Trước xu hướng siết chặt các quy định môi trường trên toàn cầu, các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đang tăng tốc đầu tư vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), nhằm thích ứng với bối cảnh mới và định hình lại chiến lược phát triển dài hạn.

Một công nhân tại cơ sở thu giữ carbon Quest của Shell ở Fort Saskatchewan, Canada. Ảnh AFP
Công nghệ CCS – viết tắt của Carbon Capture and Storage – ngày càng trở thành “xương sống” trong chiến lược khử carbon của ngành dầu khí. Từ năm 2023 đến 2025, nhiều tập đoàn trong ngành đã đẩy mạnh rót vốn vào lĩnh vực này, để đối phó với các chính sách khí hậu ngày càng khắt khe và áp lực từ nhà đầu tư đòi hỏi doanh nghiệp phải phát triển bền vững hơn.
Thị trường CCS toàn cầu đang tăng trưởng mạnh
Theo các dự báo, thị trường CCS toàn cầu đang trên đà bứt phá. Năm 2024, quy mô thị trường đạt khoảng 8,8 tỷ USD và có thể vọt lên 45 tỷ USD vào năm 2034 – tương đương mức tăng trưởng trung bình gần 17% mỗi năm trong giai đoạn 2025–2034. Động lực chính đến từ chính sách môi trường ngày càng nghiêm ngặt, các ưu đãi từ chính phủ, cũng như sự phát triển của công nghệ giúp giảm chi phí vận hành.
Hàng loạt tập đoàn dầu khí tăng tốc rót vốn vào CCS
ExxonMobil công bố sẽ đầu tư tới 30 tỷ USD vào các công nghệ carbon thấp từ nay đến năm 2030, trong đó CCS là ưu tiên hàng đầu. Tập đoàn này xác định sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực thu giữ và lưu trữ carbon, thay vì tập trung mạnh vào năng lượng tái tạo.
Chevron dành 8 tỷ USD cho các dự án phát thải thấp trong giai đoạn 2021–2028, bao gồm các dự án CCS lớn như Bayou Bend ở Texas và Gorgon tại Úc. TotalEnergies, cùng với Shell và Equinor, đầu tư hơn 700 triệu USD để mở rộng dự án Northern Lights tại Na Uy. Dự án này nhằm nâng công suất lưu trữ CO₂ từ 1,5 triệu lên 5 triệu tấn mỗi năm.
Trong khi đó, BP lại có bước đi khác biệt: Doanh nghiệp này đã cắt giảm đầu tư vào các dự án carbon thấp từ 6,45 tỷ USD xuống còn 1,75 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tăng chi tiêu cho lĩnh vực dầu khí thêm 20%, lên khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.
Những dự án CCS lớn đang được triển khai trên toàn cầu
Một trong những dự án CCS tiêu biểu hiện nay là Northern Lights tại Na Uy, do 3 tập đoàn dầu khí lớn là Equinor, Shell và TotalEnergies hợp tác thực hiện. Dự án đặt mục tiêu xử lý và lưu trữ khoảng 5 triệu tấn CO₂ mỗi năm, đồng thời hướng đến cung cấp giải pháp lưu trữ carbon xuyên biên giới cho các ngành công nghiệp châu Âu.
Tại Vương quốc Anh, Chính phủ nước này và tập đoàn Eni đã thống nhất tiếp tục phát triển dự án lưu trữ carbon tại vịnh Liverpool. Dự án sẽ thu gom khí CO₂ từ các nhà máy công nghiệp ở vùng tây bắc nước Anh, sau đó dẫn qua một hệ thống đường ống dài 35 km tới các mỏ khí đã ngừng khai thác của Eni để lưu trữ.
Tại Indonesia, tập đoàn BP và các đối tác cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 7 tỷ USD vào một dự án kết hợp giữa khai thác khí đốt và thu giữ carbon tại khu vực Papua. Mục tiêu là bắt đầu khai thác vào năm 2028.
Chính sách hỗ trợ và vai trò doanh nghiệp
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các chính sách mới đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các dự án CCS.
Tại Mỹ, đạo luật Inflation Reduction Act đưa ra nhiều ưu đãi thuế hấp dẫn cho các dự án CCS, trở thành cú hích lớn giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ này.
Ở châu Âu, đạo luật Net-Zero Industry Act đặt mục tiêu đầy tham vọng: Đến năm 2030, khu vực này sẽ có thể lưu trữ tới 50 triệu tấn CO₂ mỗi năm. Đây là một phần trong chiến lược hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Vương quốc Anh cũng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, với cam kết chi 21,7 tỷ bảng Anh (tương đương 28,76 tỷ USD) trong vòng 25 năm để hỗ trợ các dự án CCS. Mục tiêu không chỉ là giảm phát thải công nghiệp mà còn tạo ra nhiều việc làm mới, đặc biệt tại khu vực phía Bắc đất nước.
Triển vọng và thách thức của CCS
Dù có nhiều bước tiến, CCS vẫn đối mặt với không ít thách thức. Chi phí để thu giữ, vận chuyển và lưu trữ CO₂ vẫn còn cao, khiến các dự án thường phải phụ thuộc vào trợ cấp, hoặc ưu đãi thuế để có tính khả thi về kinh tế.
Ngoài ra, vẫn tồn tại những lo ngại về môi trường và xã hội – ví dụ như tính an toàn của các cơ sở lưu trữ ngầm, hay sự chấp thuận của cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó, yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều dự án CCS hiện nay phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ, như các ưu đãi trong Inflation Reduction Act của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần có thay đổi về chính quyền hoặc định hướng chính sách, các dự án có thể bị chậm tiến độ, hoặc thậm chí đình trệ.