Vì sao cần tăng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho 'xe lai'?
Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất ưu đãi thuế cho xe ô tô lai điện (Hybrid) bao gồm xe hybrid điện tự sạc 'HEV' và xe hybrid điện có hệ thống sạc riêng 'PHEV' để hướng người tiêu dùng đến những dòng xe thân thiện môi trường, hiện thực hóa cam kết Net Zero.
Hybrid là giải pháp phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi sang xe thuần điện
Tại COP26, Việt Nam đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trong Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022, Thủ tướng Chính phủ xác định lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải của ngành giao thông vận tải, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tuy nhiên, quá trình điện khí hóa các phương tiện giao thông cũng như chuyển đổi từ việc sử dụng xe động cơ đốt trong (ICE) sang xe thuần điện (BEV) ở nước ta trong ngắn hạn còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, nước ta hiện thiếu kết cấu hạ tầng trạm sạc; theo các chuyên gia, để hướng đến mục tiêu có toàn bộ phương tiện lưu hành là xe điện, cần đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD (tương đương 51 nghìn tỷ đồng) để phát triển hạ tầng trạm sạc trên các tuyến cao tốc trong giai đoạn 2025 - 2050. Điều này có nghĩa, quá trình xây dựng hệ thống trạm sạc để đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi của người tiêu dùng cần thời gian và nguồn lực phù hợp.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện hoặc nguồn cung cấp điện không ổn định, đặc biệt vào mùa khô và ở các vùng sâu vùng xa, cũng là thách thức.
Thách thức tiếp theo nằm ở thói quen của người tiêu dùng. Khảo sát Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh thực hiện tháng 12.2023 cho thấy, 86,83% trong tổng số 10.000 người được khảo sát trả lời là chưa có nhu cầu đối với xe thuần điện, với một trong các lý do chính là trạm sạc chưa được phủ rộng.
Như vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng xe thuần điện cần có lộ trình phù hợp cùng những chính sách và hỗ trợ nhất định trong ngắn hạn để giảm áp lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Theo đó, các dòng xe hybrid, bao gồm HEV và PHEV, cần được cân nhắc như một lựa chọn trong giai đoạn chuyển đổi.
Lợi ích và vai trò của dòng xe Hybrid
Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều đã chỉ ra lợi ích của xe Hybrid trong tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải.
Xe lai (Hybrid) dùng để chỉ những dòng xe được trang bị cả 2 loại động cơ là động cơ đốt trong (thường sử dụng xăng hoặc dầu diesel) và động cơ điện.
Xe Hybrid được một bộ phận người dùng quan tâm vì khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Trung bình, các dòng xe Hybrid sẽ tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn khoảng 30% đối với xe HEV và khoảng 50% đối với xe PHEV so với các phiên bản dùng động cơ đốt trong cùng loại.
Mặt khác, người dùng xe Hybrid cũng không phải thay đổi thói quen sử dụng vì không phụ thuộc vào hệ thống sạc như xe thuần điện. Thay vào đó, xe Hybrid sẽ chạy bằng cả hai động cơ đốt trong và điện tùy theo điều kiện vận hành.
Cụ thể, đối với xe HEV, nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội khi thực hiện so sánh giữa Toyota Cross 1.8HV (xe HEV) và Toyota Cross 1.8V (xe động cơ đốt trong) trong thử nghiệm thực tế trên đường và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy: về hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu, công nghệ Hybrid giúp giảm 57,4% nhiên liệu tiêu thụ so với xe động cơ đốt trong truyền thống ở khu vực đô thị và 18,5% trên đường cao tốc; về lợi ích môi trường, xe HEV giúp giảm 18,5 - 57,4% lượng khí nhà kính so với xe ICE.
Nghiên cứu hợp tác giữa Toyota, Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn năm 2023 cho thấy, HEV mang lại hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn so với xe động cơ đốt trong trên cả ba loại xăng (bao gồm RON 95-V, E5 RON 95-V, E10 RON 95-V), với mức tiết kiệm cao nhất lên đến 61% trong điều kiện đô thị khi sử dụng xăng RON 95-V.
Về mặt phát thải, HEV có lượng khí thải có hại giảm đáng kể so với xe động cơ đốt trong khi sử dụng cả ba loại xăng, với mức giảm đáng kể nhất là 27% hydrocarbon và 48% carbon monoxide. Trong các điều kiện hoạt động khác nhau, HEV có mức khí thải CO2 thấp hơn, với mức giảm cao nhất là 50% trong điều kiện đô thị.
Ngoài ra, xe HEV có tầm hoạt động rộng tương đương xe động cơ đốt trong và không bị phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc.
Đối với xe PHEV, số liệu so sánh giữa một số dòng xe động cơ đốt trong và xe PHEV tương đương, cung cấp bởi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Văn phòng Vận tải và Chất lượng không khí Hoa Kỳ, cho thấy các dòng xe PHEV có thể giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nhiên liệu xăng, dầu sử dụng so với các xe động cơ đốt trong tương ứng.
Một nghiên cứu khác thực hiện tại Đức năm 2022 cũng chỉ ra mức độ xả thải CO2 trên toàn bộ vòng đời của 3 dòng xe PHEV được nghiên cứu thấp hơn 10 - 45% so với xe sử dụng xăng và xăng sinh học.
Xe PHEV có khả năng sử dụng linh hoạt giữa năng lượng điện và năng lượng từ xăng/ dầu. PHEV có thể chạy ở chế độ thuần điện (tương tự xe thuần điện - BEV) trong 24 dặm, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong với cơ chế tương tự xe HEV. Do đó, việc khuyến khích sử dụng xe PHEV sẽ góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng và dần chuyển dịch sang sử dụng các dòng xe thuần điện.
Đề xuất giảm thuế 30% cho xe HEV và 50% cho xe PHEV
Trong khung chính sách hiện hành cho ô tô tại Việt Nam, chỉ có hai dòng xe điện hóa đang được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là BEV và PHEV. Theo đó, xe BEV được hưởng thuế suất ưu đãi 3% từ năm 2023 tới hết tháng 2.2027, sau đó tăng lên 11%. Xe PHEV được hưởng thuế suất bằng 70% thuế suất cho xe động cơ đốt trong tương đồng. Ngoài ra, BEV còn hưởng thêm ưu đãi về lệ phí trước bạ. Còn dòng xe HEV - hiện không có bất cứ ưu đãi nào.
Các chuyên gia ngành ô tô cho rằng, chính sự kém hấp dẫn trong chính sách thuế là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá thành xe tăng cao và khiến người tiêu dùng chưa mặn mà dù dòng xe này thân thiện với môi trường. Lượng tiêu thụ xe hybrid hiện rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 3% tổng lượng ô tô bán ra, theo VAMA.
Nhấn mạnh trong ngắn hạn và trung hạn, việc sử dụng xe HEV hay PHEV là phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trước khi chuyển đổi sang các dòng xe thuần điện, VAMA đề nghị nên bổ sung chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe hybrid, trong đó có xe HEV và PHEV. Theo đó, cần xem xét giảm 30% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe HEV và 50% đối với xe PHEV so với xe ô tô xăng dầu cùng loại. Như vậy sẽ giúp thúc đẩy định hướng người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe thân thiện với môi trường, hướng tới mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Quyết định 876 cho ngành giao thông vận tải.
Đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế này, KPMG Việt Nam (một trong những công ty kiểm toán hàng đầu) và VAMA cho biết, giai đoạn 2026 - 2030, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm 2,5% tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt/năm (tương đương 0,35% tổng thu thuế hàng năm). Tuy nhiên, mức giảm thu ngân sách nhà nước này sẽ được bù đắp từ tiết kiệm 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu, và tiết kiệm 28.000 tỷ đồng chi phí dầu thô nhập khẩu trong suốt vòng đời của một xe ô tô.
Ngoài ra, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe HEV và PHEV mang lại lợi ích như bảo đảm an ninh năng lượng và duy trì môi trường đầu tư ổn định; giảm hơn 2,6 triệu tấn lượng phát thải khí CO2 giúp tiết kiệm ngân sách đề bù đắp lượng phát thải tương đương với 333 tỷ đồng tín chỉ carbon. Cùng với đó, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành ô tô cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng liên kết chuỗi cung ứng góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như kết cấu hạ tầng.