Vì sao cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng?
Nhiều tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư chỉ có hai làn xe và không có dải phân cách cứng. Như vậy có đúng quy định và có an toàn?
Từ 4 làn xe trở lên mới có dải phân cách cứng
Tuyến đường cao tốc được coi là dài nhất Việt Nam - tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác mở ra một trang mới về cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc vốn rất khắc nghiệt về địa hình và khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông cũng như phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, điều khiến người đi đường thắc mắc vì sao tuyến cao tốc này chỉ có 2 làn xe cho cả hai chiều ở đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai, dài hơn 100km.
Đặc biệt là trên đoạn tuyến cao tốc 2 làn xe này chỉ có vạch sơn kẻ chia hai chiều đường mà không phải là dải phân cách cứng cố định hoặc di động như các tuyến cao tốc khác đã đưa vào sử dụng?
Ngoài cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hiện có 4 tuyến cao tốc 2 làn xe khác bao gồm: Cam Lộ - La Sơn dài 98km, La Sơn - Hòa Liên dài 66km, Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km, Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40km cũng trong tình cảnh tương tự.
Đại diện Công ty CP Tư vấn Trường Sơn chia sẻ, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe? Vì sao dải phân cách cứng không được lắp đặt?
Trước hết, quy mô đầu tư cao tốc phụ thuộc lớn vào nguồn lực được bố trí. Thời điểm quyết định đầu tư, dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn chỉ được cấp có thẩm quyền bố trí 7.900 tỷ đồng. Với số vốn này, Nghị quyết 52 của Quốc hội đã xác định, tuyến đường sẽ đầu tư phân kỳ quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.
Theo tiêu chuẩn phân kỳ đầu tư, đường cao tốc 2 làn xe, có dải phân cách cứng phải có nền đường rộng 13,5m. Nếu mở rộng quy mô nền đường, tổng mức đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều số vốn được cân đối trước đó cho dự án nên giải pháp hình thành vạch kẻ liền phân tách làn đường, phương tiện chỉ được vượt ở những vị trí cho phép đã được tính tới.
Hơn nữa, thời điểm nghiên cứu dự án Cam Lộ - La Sơn, dự án La Sơn - Túy Loan nối tiếp cũng được xác định đầu tư 2 làn nên quyết định đầu tư 2 làn cũng được đánh giá là phù hợp và đồng bộ.
Cũng về vấn đề này, ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ VN) cho hay: Theo Tiêu chuẩn 4054:2005 về thiết kế đường ô tô quy định: Đường có từ 4 làn xe trở lên mới được làm dải phân cách cứng chia hai chiều xe chạy.
Tiêu chuẩn 4054:2005 là tiêu chuẩn gốc, đặt ra các nền tảng kiến thức như cách tính toán lưu lượng xe, bề rộng làn đường, mặt đường… Các tiêu chuẩn sau về thiết kế đường cao tốc hay đường giao thông nông thôn được phát triển từ đây. Việc xây dựng tiêu chuẩn cơ bản ở Việt Nam cũng có sự học hỏi, tiếp thu nội dung tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.
Nói về đề xuất lắp dải phân cách bằng cọc tiêu mềm phân chia làn ở cao tốc 2 làn xe (mỗi bên 1 làn), ông Điệp cho biết, vạch sơn liền là cấm phương tiện đi lấn làn, tuy vậy trong trường hợp nào đó, phương tiện vẫn dễ vượt qua. Cột tiêu mềm cũng điều chỉnh dẫn hướng cho người tham gia giao thông tại một số vị trí bắt đầu hay kết thúc đoạn 4 làn xe hoặc đi vào đường cong sẽ có hiệu quả hơn.
Cục Đường bộ VN cũng đang tính toán đến giải pháp này, tuy nhiên, giá thành loại thiết bị này rất đắt, thêm nữa, tuyến cao tốc này sắp được đầu tư mở rộng nên trước mắt Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá phương án tổ chức giao thông trên cao tốc có 2 làn xe.
Từ đây sẽ điều chỉnh, bổ sung thêm các biện pháp nhằm đảm bảo ATGT như chuyển một số đoạn từ sơn nét liền sang nét đứt ở những vị trí đường thẳng, tầm nhìn thông thoáng, mở rộng phạm vi cho phương tiện vượt nhau.
Tại các điểm cần thiết sẽ bổ sung đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, bổ sung biển báo để người lái xe phân biệt khoảng cách an toàn giữa các làn xe.
Ý thức chấp hành là quan trọng
Nhìn nhận vụ tai nạn vừa qua trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn làm 3 người chết, anh Anh Tú, chủ kênh Youtube "Xe đầu kéo - Vlog" cho rằng, anh đã xem rất nhiều lần camera hành trình, rõ ràng tài xế xe ô tô con 7 chỗ đã không làm chủ được tốc độ, không chú ý quan sát biển báo giới hạn tốc độ, biển cảnh báo sắp tới đoạn đường hẹp cũng như đã không giữ khoảng cách an toàn.
"Tài xế ô tô con trong trường hợp này điều khiển xe quá ẩu và non kinh nghiệm, điều này, một lần nữa cho thấy thực trạng đáng buồn về ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam", anh Tú chia sẻ.
Là lái xe tải đã đi qua nhiều tuyến cao tốc, anh Tú cho biết rất phấn khởi khi được đi trên các tuyến đường cao tốc không có xe máy đi chung, không có các điểm giao cắt như khi đi quốc lộ. Đặc biệt có những tuyến chưa thu phí như tuyến Cam Lộ - La Sơn. Rõ ràng, người dân đang được hưởng lợi lớn từ hạ tầng.
Tuy nhiên, so sánh với tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng có đoạn hai làn xe, anh Tú cho rằng, đoạn thu hẹp làn đường trên tuyến Cam Lộ - La Sơn khá nhanh, nên điều chỉnh đoạn này dài hơn để thuận lợi khi vượt.
Theo anh Tú, do tuyến đường chưa lắp camera giao thông giám sát nên rất nhiều tài xế thiếu ý thức, lấn làn, đi quá tốc độ cho phép. Cần tăng cường phạt nguội, chắc chắn cánh tài xế sẽ sợ và có ý thức hơn, từ đó góp phần giảm TNGT trên tuyến.
Ở góc độ người làm công tác đào tạo lái xe lâu năm, ông Bùi Bộ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương cho rằng, lỗi của tài xế xe 7 chỗ rất nghiêm trọng. Nhiều người bàn tán, cho rằng việc xây dựng cao tốc 2 làn xe không đảm bảo an toàn dẫn đến TNGT. "Tôi cho rằng đây là suy nghĩ không đúng, phiến diện và có tư tưởng đổ lỗi. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư phân kỳ là hợp lý.
Hồi mới đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian di chuyển, ai nấy đều tán dương, đường về nhà thênh thang không lo đoạn giao cắt, không lo làn hỗn hợp với xe máy, đèn đỏ như trên quốc lộ. Hai năm khai thác mới xảy ra một vụ tai nạn, thì liền đổ lỗi do hạ tầng", ông Bộ nói và cho biết, người tham gia giao thông cần tuân thủ quy định về pháp luật ATGT khi đi trên mỗi cung đường khác nhau. Đối với cao tốc 2 làn xe, khi di chuyển, ý thức của người lái xe cần phải được nâng cao hơn để đảm bảo an toàn.
TS Nguyễn Phước Quý Duy, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, tại vị trí xảy ra vụ TNGT ở Cam Lộ - La Sơn tốc độ cho phép xe chạy tối đa là 60km/h, nếu tài xế xe con đi đúng với tốc độ cho phép, tai nạn chắc chắn không xảy ra.
Theo TS Duy, về mặt thiết kế đoạn nhập làn, có thể thấy việc thiết kế các dấu hiệu để cảnh báo sớm cho các lái xe phía trước làn xe đang chạy sẽ phải nhập làn còn quá sơ sài.
Ví dụ, các mũi tên xéo hướng về phía làn đường chuẩn bị nhập nên được bố trí trên một đoạn dài trước khi nhập làn. Thiết kế hiện tại chỉ có 1 mũi tên rẽ trái ở ngay đầu đoạn vuốt nối nhập làn khó nhận diện khi đi với tốc độ nhanh.
Đoạn vuốt nối nhập làn hiện tại cũng cần được thiết kế dài hơn khi mà lưu lượng xe trên đoạn này khá lớn, để xe ở làn bên phải có thêm nhiều thời gian xử lý nhập làn
Ngoài ra, để tham gia giao thông an toàn trên các tuyến cao tốc 2 làn xe cần tăng cường tuyên truyền để lái xe biết được bản thân đang di chuyển trên một cao tốc phân kỳ, trên đường sẽ xuất hiện những đoạn thay đổi mặt cắt ngang (số làn xe). Từ đó, giúp tăng độ cảnh giác với người lái xe khi lưu thông trên tuyến đường này.
Người tham gia giao thông chưa hiểu biết đầy đủ lưu thông trên cao tốc
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), trên các tuyến cao tốc phân kỳ hai làn xe không có dải phân cách ứng, cần tính đến việc tăng cường hệ thống biển báo, thông tin tín hiệu, hệ thống giám sát thông minh tại một số vị trí đặc biệt quan trọng nhằm kiểm soát tình trạng lái xe trên đường để đưa ra biện pháp kịp thời.
Một số vụ việc xảy ra trên các tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cam Lộ - La Sơn mới đây cũng cho thấy, nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc chưa thực sự tốt.
Nói một cách khác, người tham gia giao thông chưa có sự hiểu biết đầy đủ quy định lưu thông trên đường cao tốc như: giữ gìn khoảng cách giữa các xe, quy định vượt xe, loại hình phương tiện được lưu thông. Thực trạng này đòi hỏi công tác tuyên truyền về kỹ năng, quy định tham gia giao thông trên đường cao tốc cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.