Vì sao Đà Nẵng lọt top 10 điểm đến ẩm thực 2025 do Michelin Guide bình chọn?
Các chuyên gia từ Michelin Guide đánh giá các nhà hàng, quán ăn ở thành phố biển này hài hòa giữa phong cách quán vỉa hè và nhà hàng hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực từ bình dân đến cao cấp...
Trong danh sách 10 điểm đến ẩm thực cần phải đến năm 2025 do Michelin Guide công bố mới đây, Đà Nẵng của Việt Nam là cái tên mới được xếp hạng cùng các thành phố nổi tiếng trên thế giới là Austin và Miami (Mỹ), Mexico City (Mexico), Amsterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan), Phúc Kiến (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản), Bath (Anh) và Vienna (Áo).
Vậy điều gì khiến ẩm thực Đà thành được đánh giá cao như vậy?
Điểm đến có sức hấp dẫn mạnh mẽ
Các chuyên gia từ Michelin Guide nhận định Đà Nẵng là thành phố biển có hải sản tươi ngon và các món ăn đậm đà bản sắc địa phương. Trong mỗi chuyến xê dịch, ẩm thực luôn là yếu tố quan trọng, giúp con người kết nối với các nền văn hóa và điểm đến trên khắp thế giới. Theo đó, chính sự phát triển của các nhà hàng là “con đường ẩm thực” đưa du khách đến gần hơn với dân bản địa, đắm mình vào lịch sử, truyền thống của nơi đến.
Đà Nẵng với vị trí ven biển, có nền ẩm thực đa dạng, độc đáo của nhiều loại hải sản như tôm, cá, cua, mực, sò, ốc… Michelin Guide đánh giá các nhà hàng, quán ăn ở thành phố biển này cũng hài hòa giữa phong cách quán vỉa hè và nhà hàng hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực từ bình dân đến cao cấp.
Đặc biệt, Đà Nẵng còn nằm gần di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận - phố cổ Hội An (Quảng Nam), và Cố đô Huế vốn rất nổi tiếng về kiến trúc, văn hóa, ẩm thực.
Việc Đà Nẵng được Michelin Guide vinh danh sẽ góp phần tiếp tục quảng bá các món ăn độc đáo của điểm đến này nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung tới những người đam mê ẩm thực cũng như khám phá văn hóa thế giới.
Trước đó, ẩm thực Đà Nẵng được truyền thông và du khách trong nước lẫn quốc tế chú ý nhiều hơn kể từ khi Cẩm nang Michelin có mặt ở thành phố biển miền Trung vào tháng 6/2024.
Việc chính thức trở thành điểm đến ẩm thực thứ ba của Michelin Guide tại Việt Nam không chỉ khẳng định sức hút của những món ăn nức tiếng Đà Nẵng, mà còn là cơ hội để thủ phủ miền Trung một lần nữa khẳng định vị thế điểm đến quốc tế năng động và hấp dẫn của mình.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ông Hà Văn Siêu khẳng định sự tỏa sáng của điểm đến như Đà Nẵng gắn với Michelin làm cho sức hấp dẫn của thành phố ngày càng mạnh mẽ. Sự lựa chọn Đà Nẵng của Michelin là một hướng đi rất đúng đắn, trúng và chất lượng, bởi đây là một điểm đến đang lên, một thành phố đáng đến, đáng sống.
Từ di sản ẩm thực đến “bếp ăn” của thế giới
Đà Nẵng đã và sẽ không chỉ được thế giới biết tới là một đô thị hiện đại có nếp sống văn minh, một thủ phủ của du lịch Việt với những điểm đến mang tính biểu tượng như Cầu Vàng (một trong 10 kỳ quan mới của thế giới), bãi biển Mỹ Khê (1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh), hay các sự kiện lễ hội quy mô tầm cỡ như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng...
Với sự hiện diện của các ngôi sao Michelin danh giá, Đà Nẵng đã và đang trở thành “bếp ăn” của cả những thực khách khó tính trên toàn cầu.
Không chỉ lọt top 10 điểm đến ẩm thực cần phải đến năm 2025 của Michelin Guide, hiện Đà Nẵng có 36 nhà hàng, quán ăn được Michelin Guide vinh danh, trong đó có 1 nhà hàng một sao Michelin, 16 cơ sở ăn uống được liệt kê trong hạng mục Bib Gourmand (quán ngon với giá hợp lý), 19 nhà hàng/quán ăn nằm trong danh sách Michelin Selected.
Đáng chú ý, nhà hàng Nén Danang trở thành nhà hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trao tặng 1 Ngôi sao Xanh - Michelin Green Star vì cam kết đối với ẩm thực bền vững và những nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu địa phương.
Michelin Guide gợi ý mỳ Quảng và bún chả cá là món ăn nhất định phải thử ở Đà Nẵng. Mỳ Quảng, món đặc trưng của khu vực miền Trung là loại mỳ sợi, thường được làm từ bột gạo xay mịn với nước từ hạt dành dành và trứng cho có màu vàng, tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái sợi mỏng khoảng 5-10mm.
Món mỳ này khác biệt với tất cả các loại mỳ ở những vùng miền khác nhờ vào các loại rau gia vị ăn kèm đặc trưng. Mỳ Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị để tạo nên một “bản giao hưởng” hương vị nồng nàn: húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng, rau mùi, rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối thái mỏng.
Mỳ Quảng có nhiều loại “nhân” khác nhau như thịt lợn, tôm, thịt gà, hay thịt cá lóc (đôi khi có trứng luộc), ếch cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Nước dùng của món mỳ Quảng cũng khác biệt ở chỗ là loại nước lèo rất cô đặc và ít nước. Ngoài ra, mỳ còn được dùng kèm với bánh tráng mè (bánh đa vừng), thêm cả đậu phộng (lạc) rang giòn thơm tạo nên hương vị đặc trưng.
Còn bún chả cá có nước dùng ninh từ xương cá, vị chua ngọt. Thực khách có thể chọn chả cá truyền thống hoặc thêm cá thu, cá ngừ để thay đổi. Tại Đà Nẵng, bún chả cá phổ biến trên mọi con đường, mọi khu dân cư, trong đó tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Lê Hồng Phong... tập trung nhiều quán bún chả cá nổi tiếng.
Với những hương vị vùng miền riêng có, ẩm thực Đà thành được ví như một di sản văn hóa mang đậm bản sắc và đầy quyến rũ, góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế./.