Vì sao hàng nghìn nhân viên ngân hàng mất việc

Dưới làn sóng chuyển đổi số, các ngân hàng đang cắt giảm mạnh nhân sự, có nơi giảm cả nghìn người. Tuy nhiên, vẫn có những nhà băng khẳng định sẽ tiếp tục tuyển dụng nhân sự mới.

Làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng đã bắt đầu từ năm 2024, khi hàng loạt nhà băng từ lớn đến nhỏ như BIDV, ACB, TPBank, Nam A Bank, KienlongBank… tinh giản bộ máy. Xu hướng này tiếp tục tái diễn trong quý đầu năm nay, khi nhiều nhà băng ghi nhận quy mô lao động sụt giảm mạnh.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý I của 27 ngân hàng niêm yết cho biết tổng số nhân sự toàn ngành tính đến ngày 31/3 là hơn 277.000 người, giảm hơn 2.100 người so với cuối năm 2024.

Cả nghìn nhân viên mất việc

Trong quý đầu năm nay, LPBank là ngân hàng có biến động nhân sự mạnh nhất khi giảm hơn 1.600 người, thu hẹp quy mô còn 9.570 nhân sự.

Tuy nhiên, việc tinh gọn số lượng nhân sự lại giúp thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng này tăng mạnh từ 22,8 triệu/người/tháng quý I/2024 lên 24,6 triệu đồng/người/tháng quý đầu năm nay. Đáng chú ý, trong năm 2024, LPBank từng đẩy mạnh tuyển dụng, tăng thêm hơn 560 nhân sự, nâng tổng số lên 11.189 người vào cuối năm.

Sacombank là nhà băng đứng thứ 2 về mức độ cắt giảm. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, ngân hàng mẹ Sacombank đã cắt giảm 930 nhân sự trong quý đầu năm nay, còn khoảng 16.128 người.

Lý giải diễn biến này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết xu hướng tinh gọn đã bắt đầu từ năm ngoái và sẽ tiếp tục trong năm nay cũng như năm tới. Ngân hàng sẽ cắt giảm lực lượng tại các phòng giao dịch truyền thống, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Trước đó, Sacombank cũng đã giảm 354 nhân sự trong năm 2024.

VIB và TPBank cũng nằm trong nhóm ngân hàng thu hẹp quy mô lao động. Trong đó, VIB đã giảm 476 nhân sự năm 2024, còn 11.323 người. Sang quý I năm nay, nhà băng tiếp tục cắt giảm thêm 495 người, đưa tổng số lượng nhân sự còn 10.828 người.

TPBank thì giảm gần 130 nhân sự trong quý I, còn khoảng 7.750 người. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết ngân hàng đang tích cực ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu tinh giản thêm 300-500 nhân sự, giảm chi phí vận hành và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Lãnh đạo TPBank cho biết tự động hóa sẽ thay thế các vị trí làm công việc đơn giản, giúp nhân viên tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao hơn.

 Kết thúc quý I, TPBank còn khoảng 7.750 nhân sự, tức đã cắt giảm 130 người trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: Nam Khánh.

Kết thúc quý I, TPBank còn khoảng 7.750 nhân sự, tức đã cắt giảm 130 người trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: Nam Khánh.

Một số ngân hàng khác cũng thu hẹp quy mô nhưng với mức giảm nhỏ hơn như ACB giảm 75 người, SeABank giảm 25 người và ABBank giảm 11 người trong quý đầu năm.

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank là đơn vị duy nhất ghi nhận giảm số lượng nhân sự đầu năm nay, song số lượng giảm chỉ 10 người, không đáng kể so với tổng quy mô 23.528 lao động tính đến cuối tháng 3.

Điểm chung của các ngân hàng trong đợt cắt giảm nhân sự này là tập trung tinh giản cấp trung gian và các đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Tại ABBank, ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng đang chủ động tái cấu trúc toàn diện về tổ chức.

“Phải thừa nhận mô hình hiện tại của ABBank còn bảo thủ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Bộ máy đông nhưng không mạnh”, ông Tiền chia sẻ.

Do đó, ngân hàng đã mạnh tay tinh giản, có đơn vị giảm đến 30-40% nhân sự. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn, phù hợp với kỷ nguyên số, nơi một người có thể đảm nhiệm khối lượng công việc từng cần nhiều người mới hoàn thành.

“Phương pháp tuyển dụng cũng thay đổi, có việc mới tuyển người chứ không tuyển người rồi mới tìm việc. Từng nhiệm vụ sẽ đi kèm trách nhiệm cụ thể. ABBank bắt buộc phải chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành”, lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.

Tương tự, lãnh đạo TPBank cũng khẳng định định hướng năm nay là đẩy mạnh công nghệ, cải tiến quy trình để tinh giản cấp trung gian. Ngân hàng sẽ rà soát các đơn vị có năng suất thấp, xử lý nhân sự yếu kém và đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự mới.

Chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân viên

Dù xu hướng ứng dụng công nghệ diễn ra ở hầu hết ngân hàng, không phải nhà băng nào cũng tiến hành cắt giảm đội ngũ nhân sự. Một số ngân hàng vẫn ghi nhận tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự trong những tháng đầu năm 2025.

Trong đó, ngân hàng mẹ Techcombank đã tuyển thêm 305 người, nâng tổng số nhân sự lên 11.282 người trong quý đầu năm. Dù lực lượng lao động tăng lên, Techcombank vẫn là một trong những nhà băng trả lương, thu nhập nhân viên cao nhất hệ thống, với thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, mức thu nhập bình quân này đã giảm khoảng 7 triệu đồng/người.

Lãnh đạo Techcombank tiết lộ cơ cấu nhân sự của ngân hàng đang chuyển dịch mạnh mẽ khi có khoảng 14% làm việc trong các lĩnh vực IT, dữ liệu và số hóa.

 Lãnh đạo MB khẳng định vẫn có nhu cầu mở rộng số lượng nhân sự. Ảnh: MB.

Lãnh đạo MB khẳng định vẫn có nhu cầu mở rộng số lượng nhân sự. Ảnh: MB.

Tương tự, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng ấp ủ kế hoạch mở rộng quy mô nhân sự. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết trong vòng 3 năm tới, MB dự kiến tăng trưởng nhân sự 25-35%, tương ứng với việc chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng vận hành quy mô gấp 2,5 lần hiện tại.

“Chỉ dùng công nghệ tôi tin là vẫn có thể làm được, nhưng để dự phòng, năm nay MB sẽ tuyển thêm khoảng 1.000 người, chủ yếu cho các mảng kinh doanh và công nghệ. Sang năm sẽ giảm tốc độ tuyển mới lại”, ông Thái cho hay.

Đặc biệt, Phó chủ tịch MB Vũ Thành Trung nhấn mạnh ngân hàng không chuyển đổi số để cắt giảm nhân sự, mà để tăng năng suất lao động. Chuyển đổi số giúp đơn giản hóa quy trình, từ đó nhân viên có thể tập trung vào những công việc mang lại giá trị cao hơn.

Một số ngân hàng tư nhân khác như Eximbank, OCB, HDBank và VPBank cũng có kế hoạch tinh gọn bộ máy trong năm nay, song trên thực tế, các nhà băng này vẫn tuyển thêm 100-200 nhân sự mới trong quý đầu năm.

Trong nhóm quốc doanh, BIDV là ngân hàng có quy mô tuyển dụng lớn nhất với 254 nhân sự mới quý I, nâng tổng số lên 26.323 người. Việc này diễn ra ngay sau khi ngân hàng đã cắt giảm hơn 1.100 nhân viên trong năm 2024. Một đại diện khác trong nhóm Big 4 là VietinBank cũng ghi nhận tăng 183 nhân viên trong quý I/2025.

Chuyển dịch nhu cầu nhân sự ngân hàng

Về dài hạn, lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá xu hướng tinh gọn bộ máy có thể kéo dài ít nhất đến năm 2030. Tuy nhiên, các vị trí liên quan đến công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng sẽ vẫn tiếp tục được ưu tiên tuyển dụng.

Riêng ở nhóm giao dịch viên, tiêu chuẩn tuyển dụng cũng được nâng lên đáng kể. Các vị trí này không chỉ đảm nhận nhiệm vụ nhập liệu hay xử lý giao dịch như trước, mà còn kiêm nhiệm thêm vai trò bán chéo sản phẩm, tư vấn công nghệ số và hỗ trợ khách hàng tối ưu dòng tiền, giống như một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân.

Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam - nhận định nhiều vị trí truyền thống trong ngân hàng đang dần được tự động hóa.

Trước đây, bộ phận hỗ trợ mở tài khoản cần tới 10 người để xử lý hồ sơ, phê duyệt, nhập liệu. Hiện nay, khách hàng có thể tự thao tác qua ứng dụng ngân hàng số, nên bộ phận này chỉ cần 2-3 người. Việc tinh giản nhân sự là điều tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng.

Ông đồng thời nhận định khi các ngân hàng cắt giảm nhân sự ở các bộ phận vận hành và hành chính, nhu cầu tuyển dụng sẽ dịch chuyển sang các vị trí kinh doanh trực tiếp, tư vấn và bán sản phẩm.

Những công việc mang tính thủ công, lặp lại sẽ dần được công nghệ tự động hóa thay thế. Tuy nhiên, các vị trí đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, khả năng kết nối và thuyết phục khách hàng vẫn là lĩnh vực mà con người giữ vai trò không thể thay thế.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-hang-nghin-nhan-vien-ngan-hang-mat-viec-post1551485.html