Vì sao cán bộ, công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Theo ĐBQH, cán bộ, công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do họ có thể mất việc trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Hỗ trợ cán bộ, công chức sau tinh giản

Sáng 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Tham gia ý kiến, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, về chính sách Nhà nước về việc làm. Nội dung này cần xây dựng thành một chương, không chỉ một điều trong luật.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo ông Đồng, đây là vấn đề rất quan trọng trong điều kiện chúng ta đang thực hiện 3 đột phá. Trong đó, có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài để phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới.

Đối với chính sách hỗ trợ việc làm, đại biểu cho rằng cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi công vụ do tinh gọn bộ máy, do tinh giản biên chế, do ứng dụng công nghệ số vào công vụ.

Đối với việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ông Đồng cho hay, cần bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức vào nhóm này. Bởi đó cũng là người lao động cần thay đổi việc.

Bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, theo dự thảo, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định, song chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu cho rằng đối với các trường hợp này, nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu.

Đại biểu cũng đề cập đến trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động. Theo đó, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phản ánh đúng thực tiễn thị trường lao động hiện nay. Người lao động có thể tìm việc thông qua nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội, sàn tuyển dụng trực tuyến, hoặc mối quan hệ cá nhân mà không cần thông qua trung tâm dịch vụ việc làm công.

Việc yêu cầu đến khai báo định kỳ gây tốn thời gian, chi phí đi lại, nhất là với người ở vùng sâu, vùng xa hoặc đang tạm cư tại nơi khác sau khi mất việc.

Việc khai báo hàng tháng làm tăng gánh nặng hành chính, khiến người lao động có thể e ngại khi thụ hưởng quyền lợi chính đáng.

Đại biểu cho rằng nên cho phép người lao động thông báo tìm việc qua cổng dịch vụ công trực tuyến, email, ứng dụng di động hoặc tài khoản định danh điện tử.

Đồng thời, khuyến khích kết nối dữ liệu giữa các sàn tuyển dụng uy tín và cơ quan bảo hiểm để cập nhật tự động quá trình tìm việc.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu cho biết, trong thời gian tới, việc nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về "biên chế suốt đời" sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng, bao phủ đến nhiều đối tượng, công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là "cán bộ, công chức, viên chức, người lao động".

Bà Trân cho rằng, đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới.

Về chính sách của Nhà nước về việc làm, ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, khoản 4, điều 4 về giải quyết việc làm gắn với yếu tố xã hội, dự thảo luật quy định "hỗ trợ người sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc".

Điều này là tích cực khi mở rộng chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế, tuy nhiên cụm từ "sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" lại không rõ ràng và dễ gây hiểu nhầm.

"Không rõ việc sắp xếp này ảnh hưởng đến ai?, người lao động bị cắt giảm do sắp xếp có được ưu tiên tái bố trí đào tạo lại, chuyển đổi việc làm không?", đại biểu băn khoăn.

Mặt khác, theo đại biểu dự thảo luật chưa cập nhật xu hướng mới là tác động của trí tuệ nhân tạo AI, Robot, tự động hóa chưa được phản ánh trong chính sách hỗ trợ lao động, nhóm lao động bị mất việc vì chuyển đổi công nghệ là một dạng lao động dễ tổn thương mới.

Từ đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi theo hướng làm rõ hỗ trợ chuyển đổi nghề đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bổ sung một khoản riêng là "có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo" nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-can-bo-cong-chuc-can-duoc-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-204250507142511276.htm