Vì sao hãng taxi Saigontourist bị yêu cầu mở thủ tục phá sản?
Sau một thời gian kinh doanh thu lỗ triền miên, mẫu thuẫn nội bộ ngày càng trở nên căng thẳng thì mới đây cổ đông nắm giữ 21,8% vốn điều lệ của Saigontourist Transport đã yêu cầu công ty mở thủ tục phá sản. Vị này đưa ra lý do là Công ty hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.
Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Saigontourist Transport - STT) - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Saigontourist vừa cho biết hiện đơn vị này đã nhận được thông báo từ Tòa án nhân dân TP.HCM về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của công ty.
Theo đó, Doanh nghiệp chủ quản là Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist vừa bị ông Nguyễn Văn Hồng, cổ đông lớn nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phiếu tương đương 21,8% vốn điều lệ yêu cầu công ty mở thủ tục phá sản với lý do ông đưa ra là Saigontourist Transport đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.
Cũng theo thông báo từ tòa án, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Saigontourist Transport phải cung cấp cho tòa án các tài liệu liên quan gồm báo cáo tài chính 3 năm gần nhất; giải trình nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất khả năng thanh toán; bảng kê chi tiết tài sản; danh sách chủ nợ và con nợ cùng một số giấy tờ khác…
Theo tìm hiểu, để xảy ra vụ việc lùm xum và hy hữu này có sự tác động của cả yếu tố chủ quan và khách quan. Xuất phát từ tình hình làm ăn thua lỗ và mâu thuẫn nội bộ kéo dài nhiều năm trong nội bộ doanh nghiệp này.
Tình hình kinh doanh khó khăn triền miên, thua lỗ kéo dài
Saigontourist Transport được biết đến là một hãng taxi lâu đời tại TP.HCM. Trong 4 năm gần đây, kết quả kinh doanh của công ty liên tục đi xuống. Đặc biệt, doanh thu từ mảng taxi liên tục sụt giảm và hoạt động dưới giá vốn.
Nhìn vào bản báo cáo kết quả kinh doanh của Taxi Saigontourist từ năm 2014 đến nay thì năm gần nhất (2019), hãng taxi này đạt hơn 35 tỷ đồng doanh thu, tương đương 1/2 so với năm 2014 (năm gần nhất có lãi), trong khi lợi nhuận sau thuế âm 13 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính tổng hợp kiểm toán của , dù có vốn điều lệ lên tới 80 tỷ, nhưng vốn chủ sở hữu công ty này đã âm gần 13 tỷ do khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 là 93 tỷ đồng.
So với năm liền trước, doanh thu năm vừa qua của hãng taxi này đã tăng 67%, nhưng lại lỗ nặng gấp hàng chục lần.
Trong năm 2020 này, công ty dự kiến hoạt động với doanh thu kế hoạch 34,5 tỷ đồng và lỗ thêm 3 tỷ.
Trong đó, công ty này bị Cục Thuế Tân Bình yêu cầu nộp thêm 13 tỷ đồng tiền thuế (tính đến ngày 31/10/2019). Dự kiến đến tháng 6/2020, số tiền thuê đất còn nợ sẽ phát sinh thêm khoảng 2 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty thừa nhận số tiền nợ thuế đất nói trên đã vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh không thể bù đắp khoản nợ quá lớn.
Hiện tại, công ty cũng đang bị Cục Thuế TP.HCM phạt và truy thu gần 7,3 tỷ đồng tiền thuế liên quan tới các hành vi sai phạm của bộ máy lãnh đạo cũ. Lãnh đạo công ty thừa nhận số tiền nợ thuế đất nói trên đã vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh không thể bù đắp khoản nợ quá lớn.
Mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng vì kinh doanh không thuận lợi?
Taxi Saigontourist bắt đầu lao dốc từ năm 2014, cùng thời điểm nhóm cổ đông Nhật Bản đầu tư vốn và nắm giữ nhiều vị trí trong HĐQT.
Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thời điểm bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ các nhóm cổ đông. Nhiều năm liền, lãnh đạo của hãng taxi này đã liên tục kiện nhau ra tòa thành phố để yêu cầu bồi thường hàng chục tỷ đồng.
Cuối năm 2019, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kakazu Shogo (Nhật Bản) cũng đã liên tục thoái vốn khỏi công ty.
Liên quan đến vụ việc này, một số luật sư nhận định sau khi thụ lý đơn yêu cầu của cổ đông, tòa án sẽ có thời gian xem xét các dấu hiệu mất khả năng thanh toán, nếu có dấu hiệu này thì mới mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp được.