Vì sao lương tối thiểu vùng không thể tăng từ đầu năm 2024?

Đại diện Hội đồng tiền lương cho biết, các thành viên đã thống nhất lùi thời điểm bàn việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 đến cuối tháng 11/2023. Cho nên, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ không thể thực hiện từ 1/1/2024 như thông lệ.

Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 gặp nhiều thách thức

Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 gặp nhiều thách thức

Theo thông lệ, quý 3 hàng năm là thời điểm Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra khuyến nghị về mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm tiếp theo. Do vậy, thời điểm này, lương tối thiểu là câu chuyện được nhiều người lao động quan tâm.

Trao đổi về thời điểm tăng lương tối thiểu vùng 2024, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đầu tháng 8/2023, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.

Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng. Do còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung, Hội đồng tiền lương quyết định lùi thời gian phiên thương lượng tiếp theo vào khoảng cuối tháng 11/2023.

Sau phiên họp bàn này, Hội đồng tiền lương quốc gia mới thống nhất và trình đề xuất lên Chính phủ. Quy trình như vậy nên chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm sau.

Liên quan đến đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về thời điểm trình Nghị định quy định về tiền lương tối thiểu vùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý đưa nội dung xây dựng và trình Nghị định này ra khỏi Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo các chuyên gia, việc lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng do tình hình kinh tế diễn biến khó lường.Dù kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, 9 tháng đầu năm, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm quý 3/2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra.

Cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Do vậy, ngoài việc chưa thể xác định thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm 2024, thì việc tăng lương tối thiểu trong năm tới cũng được cho là gặp nhiều thách thức.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-luong-toi-thieu-vung-khong-the-tang-tu-dau-nam-2024-post556722.antd