Vì sao mâm cơm ngày Tết thường có món canh mướp đắng?

Canh mướp đắng (khổ qua) không chỉ là món ăn thanh mát, tốt cho sức khỏe mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt vào mỗi dịp Tết.

Mướp đắng là món ăn thanh mát, bổ dưỡng và ý nghĩa trong ngày Tết

Mướp đắng là món ăn thanh mát, bổ dưỡng và ý nghĩa trong ngày Tết

Gửi gắm nhiều mong ước

Tết năm nào trên mâm cơm của gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở phố Hồng Châu, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cũng không thể thiếu món canh mướp đắng. Chị cho biết, món ăn gửi gắm rất nhiều mong ước tốt lành của con người mỗi dịp Tết đến, xuân về.

"Tết ơi Tết à!/ Bánh mứt dưa cà, thêm câu đối đỏ/ Vui bầy em nhỏ, quấn quýt cả nhà/ Trăm sự khổ qua, vận may đang đến”…

Chị Lan đọc câu thơ để nói về ý nghĩa của món ăn trong ngày Tết. Theo chị, món canh này khá quen thuộc nhưng khi xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết lại trở nên ý nghĩa.

Trong tiếng Hán, "khổ" là đắng, "qua" là dưa, mướp. Từ đây, khổ qua còn mang nghĩa ẩn dụ: mọi điều khổ cực sẽ qua. “Dường như có tô canh mướp đắng nhồi thịt, mọi người đều cảm thấy an tâm hơn, rằng mọi điều không may của năm cũ đã qua, hy vọng năm mới mọi điều tốt đẹp hơn sẽ tới”, chị Lan nói.

Mướp đắng là nguyên liệu chính của món ăn. Muốn có món canh ngon cần chọn những quả mướp đắng tươi, thuôn dài

Mướp đắng là nguyên liệu chính của món ăn. Muốn có món canh ngon cần chọn những quả mướp đắng tươi, thuôn dài

Với người thưởng thức lần đầu, vị đắng của món canh không hề dễ ăn. Nhưng với ai ăn lần thứ 2, thứ 3 sẽ rất dễ bị nghiện bởi vị hậu ngọt của nó. Không những vậy, qua lớp vỏ đắng là lớp nhân ngon ngọt, béo thơm. "Ăn một miếng người ta còn có liên cảm về những hương vị của cuộc sống. Giống như câu: khổ tận cam lai, sau tận cùng của vị đắng, ngọt ngào và những điều tốt đẹp sẽ tới", chị Lan chia sẻ.

Còn với những ai đã quen đều cảm thấy vị đắng của món ăn trở nên dễ chịu. Nhân thịt bên trong kết hợp nấm hương, hành… tạo nên hương vị rất đặc trưng.

Canh mướp đắng trước đây là món ăn phổ biến của người miền Nam nhưng ngày nay, món ăn này đã trở nên quen thuộc đối với cả người dân miền Bắc, đặc biệt vào dịp Tết.

Thầy Phạm Trung Lai, Phó trưởng khoa Ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương cho biết: “Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp, canh mướp đắng còn là món canh giải nhiệt, mát và bổ trong những ngày Tết”. Mướp đắng có nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng, có tác dụng giảm béo bụng, tăng cường miễn dịch, bồi bổ sức khỏe tim mạch, hỗ trợ thị lực, kháng khuẩn, kháng virus, hạ đường huyết…

Dễ chế biến

Không chỉ là món ăn yêu thích thường ngày, canh mướp đắng còn là món không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của gia đình Chị Lan

Không chỉ là món ăn yêu thích thường ngày, canh mướp đắng còn là món không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của gia đình Chị Lan

Để nấu món canh mướp đắng ngon, chị Lan ra chợ tìm những quả mướp đắng ta, kích thước nhỏ, gai nhọn. “Loại này đắng hơn mướp đắng lai, hương vị đậm đà và thơm hơn nhưng rất hiếm, thường ở chợ quê mới có. Nếu không có loại này, tôi sẽ tìm những quả có màu xanh đậm, suôn dài dễ nhồi thịt”, chị Lan cho biết.

Sau khi rửa sạch, mướp đắng được cho vào nước ngâm để loại bỏ tạp chất. Ai không thích nhiều vị đắng, đây cũng là cách để giảm bớt độ đắng của mướp đắng. Mướp đắng để nguyên cả quả, cắt chéo một đầu rồi dùng thìa lấy hết phần hạt và ruột bên trong. “Mục đích làm như vậy để nhân nhồi bên trong giữ nguyên được hương vị khi hầm canh hoặc hấp”, chị Lan tiết lộ bí quyết.

Nhân nhồi mướp đắng khá đa dạng, có thể được chế biến từ cá thát lát, tôm… Tuy nhiên, món ăn ngon được nhiều người yêu thích và hợp vị nhất vẫn là mướp đắng nhồi thịt. Thịt lợn xay hoặc băm nhuyễn. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm, rửa sạch cùng hành hoa thái nhỏ. Trứng đập và trộn đều trong một chiếc tô. Để có hương vị đậm đà, nhân được tẩm ướp cùng nước mắm, hạt nêm và một ít tiêu.

Theo chị Lan, trong khi chế biến canh mướp đắng, người nấu không nên dùng đường vì vị đắng hòa với ngọt sẽ làm cho vị đắng càng tăng. “Nên để hương vị nguyên bản bởi mướp đắng có vị đắng nhưng hậu lại ngọt tự nhiên”, chị Lan lưu ý.

Phần nguyên liệu được tẩm ướp khoảng chừng 10-15 phút để thấm gia vị. Mướp đắng muốn đẹp mắt đòi hỏi người nhồi thịt phải thật khéo léo, lượng nhân vừa đủ. Nếu cho ít, nhân sẽ bị vỡ, còn cho quá nhiều sẽ làm cho quả bị nứt vỏ.

Có 2 cách để nấu canh mướp đắng: hầm với nước hoặc hấp cách thủy. Nếu hầm với nước, chỉ cần đổ nước xâm xấp mặt quả, đun sôi và ninh tiếp khoảng 10 phút, khi chọc thử đũa vào thấy vỏ quả mềm là được. Cách này nước canh sẽ đậm đà hơn.

Với cách thứ 2, dùng nồi hấp cách thủy. Sau khi đổ nước bên dưới, khổ qua được xếp lên trên lớp phên hấp. Với cách này, nước sôi khoảng 25 phút, kiểm tra thấy lớp vỏ khổ qua mềm là được. Cách làm này thời gian lâu hơn nhưng giúp món ăn giữ nguyên hương vị đậm đà hơn cách đầu.

Canh mướp đắng trên mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình Việt (ảnh mạng internet)

Canh mướp đắng trên mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình Việt (ảnh mạng internet)

Mướp đắng chín, bày ra tô lớn, rắc thêm vài cọng hành tươi và một chút hạt tiêu sẽ khiến hương vị món ăn được đánh thức thêm lần nữa. Mướp đắng vẫn giữ được màu xanh, khi ăn cảm nhận độ mềm, nhân bên trong giữ được độ ngọt của thịt, hương thơm của nấm, mộc nhĩ… Trong tiết trời se lạnh, cắn một miếng mướp đắng, húp miếng nước canh nóng hổi, xuýt xoa, để cảm nhận vị đắng nhẹ rồi hậu ngọt lan dần trong miệng… và mong cầu những điều tốt đẹp của một xuân mới đang đến với mọi người, mọi nhà…

LÊ HƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vi-sao-mam-com-ngay-tet-thuong-co-mon-canh-muop-dang-403069.html