Vì sao nấm là cứu tinh của con người trước biến đổi khí hậu?

Nấm đóng vai trò kiến tạo và hỗ trợ các hệ sinh thái vĩ đại nhất trên Trái đất. Đây sẽ là 'nhân tố' của tương lai trong việc giúp giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới

Nấm có nhiều tiềm năng mà con người chưa khai thác hết

Nấm có nhiều tiềm năng mà con người chưa khai thác hết

Một công ty khoa học công nghệ có trụ sở tại Chicago (Mỹ), Mycocycle, đã sử dụng các thứ sẵn có từ thiên nhiên để quản lý chất thải và đang tìm cách dùng nấm để phân hủy và khử độc chất thải từ rác thải xây dựng. Với vòng gọi vốn nhận vượt mức 3,6 triệu USD gần đây, công ty đã huy động được tổng cộng 7,3 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Joanne Rodriguez, Giám đốc điều hành và người sáng lập Mycocycle, cho biết nấm vừa là chất làm sạch, vừa giúp tạo nguyên liệu xây dựng tự nhiên. Rodriguez cho biết: “Nấm thực sự rất giỏi trong việc phân hủy nhiều loại vật liệu hữu cơ, khiến chúng trở thành giải pháp hoàn hảo cho những vấn đề phức tạp”.

Ý tưởng dùng nấm đến với Rodriguez khi cô bắt đầu chương trình tái chế tại một công ty thi công mái lợp. Rodriguez nói: “Tôi nhanh chóng nhận ra đó là một nhiệm vụ gần như bất khả thi: chỉ có chưa đến 4% tổng số vật liệu lợp mái được tái chế. Tôi biết chúng tôi đang gặp vấn đề”.

Rodriguez ban đầu không nhận ra rằng nấm sẽ là giải pháp nhưng nhờ một khóa học mà cô nảy sinh sáng kiến. Rodriguez cho biết: "Tôi đã tham gia một khóa học về thiết kế nuôi trồng thủy sản tại Đại học Bang Oregon và bị mê hoặc bởi sức mạnh của nấm, đặc biệt là khả năng biến chất thải thành vật liệu có hàm lượng carbon thấp của chúng".

Rodriguez cho biết: “Tôi đã nói chuyện với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu nấm hàng đầu. Tất cả họ đều say mê nghiên cứu tiềm năng chưa được khai thác của nấm để giúp chúng ta cải tiến y học và môi trường. Sau những buổi nói chuyện đó, tôi biết mình đang đi đúng hướng. Từ đó, tôi bắt đầu hành trình thành lập Mycocycle".

Quá trình xử lý sinh học của Mycocycle kết hợp việc xử lý chất thải từ môi trường xây dựng như tấm nhựa đường, cao su, tấm thạch cao, lớp lót cách nhiệt và hàng dệt cũ. Sau đó, nấm biến chất thải đó thành nguyên liệu thô chất lượng cao, không độc hại. Rodriguez nói thêm: “Tôi đang tìm kiếm một giải pháp tự nhiên cho một vấn đề rất nhân văn, rất thực tế và nấm nhanh chóng trở thành lựa chọn hiển nhiên”.

Tái sử dụng chất thải thành nguyên liệu cho sản phẩm mới

Hệ thống tuần hoàn từ rác thải thành sản phẩm có giá trị của Mycocycle chuyển một phần trong số khoảng 145 triệu tấn rác thải xây dựng thường được đưa đến các bãi chôn lấp hằng năm. Cũng lưu ý là lượng rác thải này chịu trách nhiệm cho gần 1/3 lượng phát thải khí nhà kính hằng năm của Mỹ.

Mycocycle sử dụng nấm làm công nghệ để phân hủy và giải độc các chất thải, đồng thời tạo ra các nguyên liệu thô có thể sử dụng trong các sản phẩm như chất độn công nghiệp, sợi hoặc bọt.

Rodriguez cho biết: “Quy trình của chúng tôi phản ánh cách nấm hoạt động trong tự nhiên: chúng tôi tạo ra một môi trường trong đó chúng tự phát triển và hoạt động theo đúng chức năng. Chúng tôi tập trung vào sợi nấm, cấu trúc giống như rễ của nấm. Sợi nấm, hay cấu trúc giống như rễ, phá vỡ các phân tử là dẫn xuất từ carbon - như giấy, cao su hoặc nylon".

Rodriguez cho biết nấm không cần môi trường vô trùng trong phòng thí nghiệm, để từ đó khẳng định: “Chúng tôi có thể giúp khách hàng sử dụng nấm để phân hủy và khử độc chất thải tại các công trường xây dựng”.

Sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 11% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu nên các công ty như Mycocycle có một thị trường rộng lớn. Rodriguez nói “Xu hướng ngày nay đang đòi hỏi hành động vì sự bền vững. Chúng tôi hiện đang làm việc với một số công ty xây dựng, công nghiệp và sản xuất lớn nhất để tạo ra chuỗi biến rác thải thành sản phẩm giá trị thực sự trong nền kinh tế tuần hoàn”.

Nấm lưu trữ một phần ba lượng carbon trong đất

Rodriguez nói: “Nấm đóng vai trò kiến tạo và hỗ trợ các hệ sinh thái vĩ đại nhất trên Trái đất. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là nhân tố của tương lai trong việc giúp giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới”.

Đầu ra của Mycocycle không phải là sản phẩm hoàn chỉnh mà là nguyên liệu thô sinh học dùng để tạo ra sản phẩm. Rodriquez cho biết công ty hiện tập trung theo hướng tìm cách bán nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất sản phẩm.

Rodriquez nói: “Hãy nghĩ đến chất độn, sợi và bọt. Những nguyên liệu thô này cần ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất, trước khi đưa ra thị trường và chúng bền vững hơn so với các nguyên liệu làm từ nhựa polyme hoặc hóa chất dầu mỏ”.

Khám phá tiềm năng của nấm

Rodriguez cho biết: “Điều thú vị nhất về nấm là vẫn còn rất nhiều điều cần khám phá trên thực địa. Các ứng dụng từ nấm là vô tận: từ chăm sóc sức khỏe đến nông nghiệp và công nghệ sinh học… trong khi chúng ta mới chỉ nắm bắt sơ lược về những gì nấm có thể làm”.

Nhà sáng lập Mycocycle cho biết nấm còn có nhiều ứng dụng tiềm năng khác ngoài các phương pháp xử lý tuần hoàn cho chất thải xây dựng và công nghiệp. “Khi thực hiện nghiên cứu của mình, chúng tôi dự đoán nấm còn có khả năng giải quyết các vấn đề rác thải ở lĩnh vực khác như dệt may. Có thể nói cách chúng tôi làm việc với nấm có thể tìm ra con đường cho những người khác phát triển các giải pháp sinh học trong tương lai”.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-nam-la-cuu-tinh-cua-con-nguoi-truoc-bien-doi-khi-hau-217726.html