Vì sao người thất nghiệp ngại học nghề?
Một trong những quyền lợi của lao động thất nghiệp là đào tạo, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp để giải quyết khó khăn trước mắt chứ không mặn mà với việc học nghề, tính kế lâu dài.
Lo giải quyết khó khăn trước mắt
Sau khi nghỉ việc ở một công ty may mặc, chị Nguyễn Thị Hồng (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, chị Hồng được tư vấn học nghề rất kỹ lưỡng nhưng vẫn quyết định chỉ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp chứ không tham gia học nghề.
“Thời gian qua, công ty tôi ít việc, thu nhập giảm, tôi không tích lũy được gì. Giờ tôi nghỉ việc, cuộc sống gia đình rất khó khăn nên tôi muốn nhận khoản tiền trợ cấp để giải quyết khó khăn trước mắt rồi sẽ tìm một công việc phổ thông nào đó như giúp việc gia đình hay phụ bán hàng ăn,… trang trải cuộc sống gia đình”, chị Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lê Trung Hậu (trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) lại có suy nghĩ khác. “Khi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại điểm sàn giao dịch việc làm số 144, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội, tôi được tư vấn học nghề và rất muốn học nghề sửa chữa xe máy, nhưng nghề này ít người đăng ký học, phải chờ đợi lâu. Vì thế, tôi đăng ký nhận tiền và tự đi học”.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Huyền - ở Hoài Đức, Hà Nội đã từ chối cơ hội đi học nghề khi đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp bởi theo chị, với lao động phổ thông cuộc sống còn nhiều khó khăn nên khi mất việc rất cần có ngay công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu thay thế thời gian đi làm bằng đi học nghề sẽ khiến cuộc sống của họ càng mệt mỏi, áp lực hơn.
Những trường hợp kể trên không phải là cá biệt, ghi nhận từ thực tế cho thấy, số người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp không lựa chọn học nghề rất nhiều. Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề đối với lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, những năm qua, do tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, nên số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng lên hàng năm, nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới thì lại có xu hướng giảm và đặc biệt là năm 2023 giảm rất sâu.
Sẽ linh hoạt phương thức đào tạo
Nói về nguyên nhân số người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn học nghề ngày càng giảm, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (trực thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội) cho rằng, điều dễ nhận thấy là đa số lao động thất nghiệp là lao động chính của gia đình, khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, nên người lao động cần có khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó không chú trọng quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề. Hơn nữa, nhu cầu học nghề của người lao động khá đa dạng, lại không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; Cơ chế tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa chú trọng ưu tiên người có trình độ sơ cấp nên chưa khuyến khích được lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề; “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...
Để khắc phục tình trạng số lượng người lao động bị mất việc đăng ký học nghề còn thấp, tại hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề đối với lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở LĐTBXH tổ chức mới đây, các đại biểu đã bàn bạc và đưa ra nhiều giải pháp như: Cần làm tốt hơn công tác tư vấn, tuyên truyền đối với người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương thức đào tạo linh hoạt, đáp ứng được tiêu chí “người học có thể học mọi lúc, mọi nơi”, thuận tiện sắp xếp các công việc cá nhân đăng ký lượng kiến thức học phù hợp năng lực; tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn hỗ trợ học nghề…
Nhằm mang lại lợi ích cho nhiều phía, trực tiếp là người lao động, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề bằng chất lượng đào tạo. “Chúng tôi chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu khẳng định.
Trong 3 năm qua, tuy số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng nhưng số người có quyết định học nghề lại giảm. Cụ thể: Năm 2021 là 1.075 người; năm 2022 là 1.590 người; năm 2023 là 778 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 117 người. Và, số lao động tham gia học nghề rất thấp, năm 2021 là 558 người, năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người và 2 tháng đầu năm 2024 có 36 người. Các ngành nghề chủ yếu được người lao động lựa chọn đăng ký học là: Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Lái xe ô tô hạng B2 và C, Tin học văn phòng, Làm bánh ngọt và một số ngành nghề khác…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-sao-nguoi-that-nghiep-ngai-hoc-nghe-168059.html