Vì sao nhà vườn ở Tiền Giang chưa tha thiết trồng vú sữa xuất sang Mỹ?
Hơn 100ha cây vú sữa ở Tiền Giang đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc sang Mỹ, nhưng nhà vườn lại không mặn mà với thị trường này.
Trước đây, tỉnh Tiền Giang có hơn 100ha cây vú sữa của trên 270 nhà vườn ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy được cấp mã Code vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đến đầu năm nay, địa phương này đưa khoảng 400 tấn . Đây là năm thứ hai, vú sữa Việt Nam vào được thị trường khó tính này. Tuy nhiên, các nhà vườn trồng cây vú sữa xuất sang Hoa Kỳ thì kỹ thuật đòi hỏi rất khắt khe, phải thực hiện đúng quy trình từ bón phân, phun thuốc và phải bao trái. Trong khi đó, giá cả đầu ra trái vú sữa do doanh nghiệp quyết định và mua vào ở mức không cao.
Tại xã Mỹ Long, Thị xã Cai Lậy, doanh nghiệp thu mua trái vú sữa đưa đi xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ ớ mức 35.000 đồng/kg, cao hơn tiêu thụ nội địa chưa đến 10.000 đồng/kg. Đồng thời, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ chọn khoảng 50% số lượng trái đã thu hoạch, số còn lại nhà vườn phải bán tiêu thụ tại chỗ với giá thấp.
Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long, Thị xã Cai Lậy cho biết, hiện nay, nhà vườn địa phương không tha thiết với dự án trồng cây vú sữa xuất sang Hoa Kỳ nên chặt bỏ để trồng các loại cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn xã hiện chỉ còn khoảng 30ha cây vú sữa.
"Cây vú sữa trên địa bàn xã năm nay với năm rồi, giá cả bấp bênh. Giá xuất sang Mỹ mua cao hơn giá thị trường chỉ từ 5.000-7.000 đồng và lựa rất kỹ. Thứ hai nữa là đòi hỏi phải bao trái, người dân tốn công nhiều quá nên không mặn mà nữa. Khi thu hoạch nếu bao trái rất khó để hái. Hiện tại, trên địa bàn xã cây sầu riêng phát triển rất nhiều, giá cả cũng ngon hơn nên người dân đổ xô trồng các loại cây ăn trái khác không mặn mà với cây vú sữa nữa", ông Trung cho hay./.