Vì sao nhiều doanh nghiệp phía Bắc chưa tiếp cận được các nền tảng thương mại điện tử lớn?

Các doanh nghiệp ở phía Bắc có lợi thế vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên liệu, có cơ sở hạ tầng logistics nhưng việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền (trái) trong lễ khởi động giai đoạn 2 của chương trình “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền (trái) trong lễ khởi động giai đoạn 2 của chương trình “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.

Thông tin được bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nêu tại Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” diễn ra ngày 22/5 tại Hà Nội.

Theo bà Huyền, tại miền Bắc, với lợi thế vị trí địa lý chiến lược dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu trong và ngoài nước để phục vụ quá trình sản xuất, cơ sở hạ tầng logistics đã và đang được chú trọng phát triển, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát huy để đa dạng hóa các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, đồ gia dụng...

Tuy nhiên, bà Huyền lý giải, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc vì một số nguyên nhân như: Nguồn nhân lực về TMĐT xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; Thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; Các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế…

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, TMĐT Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Doanh số TMĐT bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất khu vực và thế giới.

Thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỉ USD vào năm 2025. Theo đó, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Cục đang triển khai nhóm giải pháp xây dựng thị trường TMĐT và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong TMĐT", bà Huyền thông tin và cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đã tự tin vươn ra biển lớn, chinh phục thị trường toàn cầu nhờ TMĐT xuyên biên giới.

Tại hội nghị, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có 5 năm đặt nền móng và thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, cho thấy rõ năng lực sản xuất, quá trình chuyển đổi số cũng như tinh thần khởi nghiệp năng động trong nước.

Ông Gijae Seong chia sẻ về xu hướng phát triển quan trọng của xuất khẩu TMĐT Việt Nam.

Thực tế năm 2023, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon Global Selling tăng hơn 300% so với năm 2019. Thông qua công cụ này, doanh nghiệp giảm tải khâu vận hành, tập trung cải tiến sản phẩm và làm thông suốt quá trình xuất khẩu trực tuyến.

Ngoài ra, CEO của Amazon Global Selling cũng chỉ ra danh mục sản phẩm có tỉ lệ tăng trưởng cao từ các đối tác bán hàng Việt Nam gồm sức khỏe, chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp. Kết quả này có được nhờ vào việc không ngừng đổi mới của doanh nghiệp, mở rộng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng tăng của khách hàng.

Tuy vậy, cũng cùng quan điểm với Nguyễn Thị Minh Huyền, ông Gijae Seong cho rằng thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng, thiếu nguồn lực và nhân lực phù hợp để bắt đầu chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-nhieu-doanh-nghiep-phia-bac-chua-tiep-can-duoc-cac-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-lon-post175149.html