Vì sao nhiều lao động thất nghiệp thờ ơ với học nghề?

Hỗ trợ đào tạo nghề khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động là 1 trong 4 quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lao động thất nghiệp lại chưa quan tâm đến quyền lợi này.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quyền lợi thiết thực đang bị bỏ quên

Theo quy định, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố. Lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.

Đây được coi như một bước đệm để người lao động có thể chuyển đổi công việc, đồng thời sớm quay trở lại với thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, chỉ một phần nhỏ lao động thất nghiệp lựa chọn việc học nghề.

Theo số liệu từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, cả nước có hơn 1,1 triệu người đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 12,2% so với năm 2022).

Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 1,06 triệu người (tăng 9,5% so với năm 2022). Nhưng từ 2015 đến nay, trung bình cả nước mỗi năm chỉ có hơn 28.000 lao động thất nghiệp tham gia học nghề, chiếm 4% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng qua từng năm. Cụ thể: Năm 2021, có 63.363 người; năm 2022 là 71.717 người; năm 2023 là 84.984 người; riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã có 10.741 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngược lại, số người có quyết định học nghề lại giảm.

Cụ thể: Năm 2021 là 1.075 người; năm 2022 là 1.590 người; năm 2023 là 778 người và 2 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 117 người quyết định học nghề. Quyết định học nghề là thế, số người tham gia học nghề thực tế còn thấp hơn. Cụ thể: Năm 2021 là 558 người; năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người; 2 tháng đầu năm 2024 có 36 người.

Tại tỉnh Hải Dương, theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2024, trong số hơn 2.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có 23 lao động đăng ký học nghề, chiếm khoảng 1% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ảnh: Quang Tấn

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ảnh: Quang Tấn

Vì sao người lao động không "mặn mà" với học nghề?

Gắn bó với công việc lắp ráp linh kiện điện tử cho một công ty tại Khu Công nghiệp Thăng Long được gần 10 năm, đến giữa năm 2023, chị Nguyễn Thị Bậm (45 tuổi, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Theo chị Bậm, lý do được phía công ty đưa ra là do tình hình kinh tế khó khăn nên phải cắt giảm nhân sự, trong khi đó, tuổi của chị Bậm cũng đã cao.

"Khi làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cũng được cán bộ tại Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn học nghề. Tuy nhiên, danh mục nghề toàn những nghề không phù hợp với tôi. Hơn nữa, thời gian học kéo dài, cộng với tiền hỗ trợ học nghề chỉ là 1,5 triệu đồng/tháng. Như tôi bị mất việc làm, không có thu nhập, tiền sinh hoạt hàng tháng còn không đủ thì lấy đâu ra tiền để học nghề", chị Bậm chia sẻ.

Mong muốn được đi học lái xe sau khi bị mất việc làm hồi đầu năm 2024 nhưng anh Nguyễn Văn Hữu (39 tuổi, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đành từ bỏ ý định do "thủ tục cần làm để đủ điều kiện học nghề mất nhiều thời gian".

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chưa bằng 1/3 học phí khóa học lái xe cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh từ chối học nghề sau khi thất nghiệp. "Chi phí của khóa học cộng với các khoản chi phí khác trong thời gian tham gia học nghề vượt quá khả năng của tôi", anh Hữu chia sẻ.

Theo ý kiến của đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại "Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024" diễn ra mới đây, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động chưa thiết tha với việc học nghề khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Có thể kể đến việc số người lao động đăng ký học nghề còn ít nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó mở lớp đào tạo. Đa số người lao động thất nghiệp chỉ mong muốn nhanh chóng tìm ngay công việc mới để đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình.

Ngoài ra, còn tình trạng người lao động chưa hiểu rõ được các nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Một nguyên nhân quan trọng khác là chi phí hỗ trợ đào tạo nghề chưa cao (1,5 triệu đồng/ tháng), nếu tham gia đào tạo nghề người lao động phải nộp thêm chi phí.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), nguyên nhân khiến nhiều lao động thất nghiệp không "mặn mà" với việc học nghề là do đây chủ yếu là đội ngũ lao động phổ thông, không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới.

Trong khi đó, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách của bảo hiểm thất nghiệp chỉ hỗ trợ chi phí học nghề mà chưa hỗ trợ các chi phí khác nên người lao động gặp khó khăn khi phải tự chi trả nhiều khoản trong thời gian học nghề.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, người lao động không nên chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp mà cần lựa chọn học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường trong bối cảnh tình hình kinh tế, cơ cấu cung - cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay.

Theo bà Hương, để thu hút lao động thất nghiệp học nghề, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề, kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề, xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-nhieu-lao-dong-that-nghiep-tho-o-voi-hoc-nghe-20240604155238861.htm