Vì sao tiêm vaccine bạch hầu vẫn có nguy cơ mắc bệnh?

Trước tình hình bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch phòng bệnh.

Vì sao tiêm vaccine bạch hầu vẫn có nguy cơ mắc bệnh?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, sau khi được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh bạch hầu. Tuy vậy, có một số ít sau khi tiêm phòng không tạo kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh bạch hầu.

Nguyên nhân có thể là không tuân thủ phác đồ tiêm chủng, không tiêm đủ liều, cũng có thể do suy giảm miễn dịch sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Trường hợp này thường gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn.

Một số trường hợp do tiêm vắc-xin đã quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu giảm xuống thấp, không đủ khả năng bảo vệ thì cũng có thể bị mắc bệnh bạch hầu. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.

Cần tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch phòng bệnh (Ảnh minh họa)

Cần tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch phòng bệnh (Ảnh minh họa)

Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng

Đã có không ít người bệnh nhầm lẫn giữa hai loại bệnh bạch hầu và viêm họng hoặc cảm cúm thông thường. Tình trạng nhầm lẫn này tạo điều kiện cho việc lây lan dịch bệnh trong trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt dẫn đến việc chọn lựa phương pháp điều trị không chính xác, khiến bệnh càng nặng hơn.

Các triệu chứng chung của bệnh bạch hầu và viêm họng bao gồm: Sốt nhẹ trong giai đoạn đầu; Cảm giác đau, khó chịu ở họng, gặp khó khăn khi nuốt; Sưng, nóng, đỏ ở hạch bạch huyết; Tình trạng cơ thể mệt mỏi.

Để nhận biết và có biện pháp phòng tránh kịp thời cần phân biệt bạch hầu và viêm họng qua các yếu tố riêng biệt sau:

Khi bị bệnh bạch hầu người bệnh có dấu hiệu sốt nhẹ nhưng với người mắc viêm họng thì cơn sốt thường lên cao nhất là vào ban đêm.

Bệnh bạch hầu gây khó chịu ở khu vực cổ họng trong khi viêm họng gây khô môi và lưỡi, mất giọng, cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn cứng, tắc mũi hoặc chảy nước mũi.

Người bệnh bạch hầu sẽ bị sưng hạch bạch huyết còn bệnh nhân mắc viêm họng thường có hạch sưng ở cổ, dưới tai, góc hàm.

Phân biệt bạch hầu và viêm họng qua giả mạc. Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng của bạch hầu. Giả mạc của bệnh nhân bạch hầu xuất hiện dày và bám chặt vào niêm mạc họng, gần như không tách ra được, nếu cố gắng tách sẽ bị chảy máu. Ngược lại, giả mạc ở bệnh nhân viêm họng mỏng, dễ dàng lấy ra mà không gây chảy máu và không có màu sắc sẫm như bạch hầu.

Hướng dẫn chủ động phòng bệnh bạch hầu (Ảnh: CDC Bắc Giang).

Hướng dẫn chủ động phòng bệnh bạch hầu (Ảnh: CDC Bắc Giang).

Cách phòng tránh bệnh bạch hầu

Để phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp dưới đây:

+ Tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia.

+ Thực hiện rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách.

+ Duy trì vệ sinh cho mắt, mũi, miệng bằng cách súc họng và nhỏ mắt hàng ngày.

+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.

+ Hạn chế tiếp xúc với những người có dấu hiệu nghi mắc bệnh bạch hầu.

+ Che miệng khi hoặc hắt hơi. Vệ sinh khu vực sinh hoạt để đảm bảo sạch sẽ.

+ Báo ngay cho cơ sở y tế nếu nghi ngờ có người mắc bệnh để phân biệt bạch hầu và viêm họng chính xác từ đó tiến hành cách ly, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

+ Tuân thủ đúng các hướng dẫn của nhân viên y tế khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-tiem-vaccine-bach-hau-van-co-nguy-co-mac-benh-d200007.html