Vì sao uống sữa đôi lúc gây trào ngược axit?

Uống sữa gây trào ngược axit đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trào ngược axit là một trong những vấn đề rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất mà mọi người phải đối mặt hiện nay. Từ việc tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán đến béo phì, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến trào ngược axit.

Trong một số trường hợp, sữa có thể gây ra triệu chứng trào ngược axit, đặc biệt đối với những người không dung nạp lactose.

Trào ngược axit, xảy ra khi axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở ngực rồi di chuyển lên cổ và cổ họng, được gọi là chứng ợ nóng.

Trong một số trường hợp, trào ngược axit thường xuyên hoặc liên tục thậm chí có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một dạng bệnh nghiêm trọng và dai dẳng hơn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sữa có thể gây ra tính axit nằm ở thành phần của nó. Chất béo trong sữa khiến cơ vòng thực quản dưới (LES) giãn ra, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit.

Đối với những người không dung nạp lactose, tiêu thụ sữa có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit bằng cách làm tăng sự khó chịu ở dạ dày và sản xuất axit, do đó gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các đợt trào ngược axit.

Hơn nữa, protein trong sữa có thể kích thích sản xuất gastrin, một loại hormone làm tăng tiết axit dạ dày.

Do đó, nếu bạn gặp hiện tượng này thì chuyển sang sữa ít béo hoặc các sản phẩm thay thế là sữa có nguồn gốc từ thực vật như sữa hạnh nhân, đậu nành.

Uống sữa với số lượng ít hơn để tránh làm hệ tiêu hóa bị quá tải. Tránh nằm ngay sau khi uống sữa để tránh axit trào ngược vào thực quản.

PHƯƠNG MINH

Health

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-uong-sua-doi-luc-gay-trao-nguoc-axit-post795549.html