Vì sao Việt Nam có thể ngược chiều chính sách tiền tệ?

Ngoài các đặc thù về bối cảnh kinh tế khác nhau, rủi ro tăng trưởng giảm tốc hay nguy cơ suy thoái của mỗi nền kinh tế, yếu tố hỗ trợ lớn nhất có lẽ là Việt Nam không phải đối mặt với lạm phát quá cao như các nền kinh tế phát triển khác.

Việc NHNN mua ngoại tệ và bơm tiền đồng cũng là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ cho xu hướng lãi suất đi xuống. Ảnh: LÊ VŨ

Việc NHNN mua ngoại tệ và bơm tiền đồng cũng là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ cho xu hướng lãi suất đi xuống. Ảnh: LÊ VŨ

Ngược chiều xu hướng

Ngày 22-6-2023, châu Âu chứng kiến ba ngân hàng trung ương (NHTƯ) cùng tiếp tục tăng lãi suất chính sách. Thứ nhất là Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) tăng lãi suất chính sách lần thứ 5 liên tiếp thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,75% – mức cao nhất kể từ tháng 10- 2008, đồng thời báo hiệu khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt hơn. Giới phân tích cũng dự báo SNB sẽ còn một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 9 tới.

Thứ hai là NHTƯ Na Uy (Norges) tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,5 điểm phần trăm lên 3,75%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 11 của Na Uy kể từ tháng 9-2021. Các quan chức cho biết, lãi suất rất có thể sẽ tăng thêm vào tháng 8 và dự đoán lãi suất cho vay sẽ đạt mức cao nhất là 4,25% vào cuối năm nay.

Thứ ba là NHTƯ Anh (BoE) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, cao gấp đôi so với dự báo tăng 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của NHTƯ nước này, đưa lãi suất cơ bản lên 5%, mức cao nhất trong 15 năm qua.

Trước đó một tuần, NHTƯ châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ đạo lên 3,5%, đánh dấu lần tăng thứ 8 liên tiếp chỉ trong vòng chưa đến một năm, trong khi các mức lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay cũng tăng lần lượt lên 4% và 4,25%, nâng chi phí vay của khu vực đồng euro lên mức cao nhất trong 22 năm. Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, cho biết ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 9.

Cùng ngày ECB tăng lãi suất, NHTƯ Đan Mạch cũng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 3,25%. NHTƯ Canada (BoC) và Úc (RBA) đầu tháng trước cũng gây bất ngờ khi quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, đồng thời phát tín hiệu sẽ có thêm nhiều đợt tăng tiếp theo trong thời gian tới.

Trong khi đó, NHTƯ lớn nhất thế giới là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dù đã tạm ngưng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 vừa qua, sau 10 lần tăng liên tục trước đó, nhưng vẫn phát tín hiệu lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chưa sớm dừng lại như những kỳ vọng trước đó. Cụ thể, tại một hội thảo do ECB tổ chức gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian tới và có thể là tại hai cuộc họp chính sách liên tiếp diễn ra vào tháng 7 và tháng 9 tới.

Trong khi các NHTƯ khác tiếp tục tăng lãi suất hoặc phát tín hiệu sẽ còn tăng, duy trì chính sách thắt chặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam lại đảo ngược chính sách tiền tệ khi quyết định nới lỏng trở lại, kết thúc giai đoạn thắt chặt ngắn ngủi diễn ra trong vòng chưa đến nửa năm, từ cuối quí 3 năm ngoái cho đến nửa đầu quí 1 năm nay.

Cụ thể, sau hai đợt tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, chỉ trong vòng ba tháng, cơ quan này đã có đến bốn lần giảm lãi suất điều hành trở lại, lần gần nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua. Chính sách giảm lãi suất của NHNN là một trong những động lực quan trọng kéo mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại giảm đáng kể so với đầu năm nay, cũng như tác động đến lãi suất ở các khu vực khác như thị trường trái phiếu hay thị trường liên ngân hàng.

Vì sao?

Yếu tố hỗ trợ lớn nhất cho các quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam có lẽ là Việt Nam không phải đối mặt với lạm phát quá cao như các nền kinh tế phát triển khác, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và một số mặt hàng chiến lược quan trọng đã bị đẩy giá tăng vọt trong hơn một năm qua vì nhiều lý do.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát tháng 5-2023 của 20 quốc gia thuộc khu vực Eurozone đã giảm đáng kể xuống còn 6,1%, so với mức 7% của tháng 4. Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn còn cách khá xa so với mức lạm phát mục tiêu 2%. Điều quan trọng hơn là các nước này có thể phải mất rất nhiều thời gian để kéo lạm phát xuống trở lại, theo đó củng cố kỳ vọng của thị trường rằng các NHTƯ sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Đơn cử như tại Thụy Sỹ, dù đã liên tục tăng lãi suất nhưng SNB dự báo lạm phát của Thụy Sỹ sẽ vẫn cao hơn mục tiêu 0-2% vào năm 2026. SNB cũng nâng dự báo lạm phát cho năm 2024 và 2025, đây được xem là dấu hiệu cho thấy việc thắt chặt chính sách hơn nữa trong tương lai. Hay như tại Anh, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của nước này là 8,7% trong tháng 5, không thay đổi so với tháng trước, nhưng lạm phát lõi đã tăng từ 6,8% lên 7,1%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 3-1992.

Ngược lại, áp lực lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt, với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed, trong tháng 5 tăng 3,8%, thấp hơn mức tăng 4,3% của tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 10-2021. Tuy nhiên con số này nhìn chung vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Chủ tịch Jerome Powell mới đây cũng cho biết mục tiêu 2% có lẽ khó đạt được trong vài năm.

Vì lẽ này, dễ hiểu vì sao Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng tình với quyết định tăng lãi suất gần đây của ECB, cũng như cho rằng chính sách tiền tệ phải tiếp tục thắt chặt hơn nữa để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Trước đó, cơ quan này cũng kêu gọi Fed và các NHTƯ khác tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và thận trọng chống lạm phát.

Còn tại Việt Nam, dữ liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,67% so với cuối năm trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân sáu tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% đặt ra cho năm nay. Đáng lưu ý là lạm phát đã liên tục đi xuống từ đầu năm đến nay. Hiện nhiều dự báo cho thấy Việt Nam sẽ kiểm soát được mục tiêu lạm phát trong năm nay.

Nền kinh tế toàn cầu đang trượt dài bởi xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài gần một năm rưỡi qua, đẩy giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng tăng và duy trì ở mức cao, khiến các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu chịu tác động tiêu cực bởi vật giá leo thang. Trong khi đó, Việt Nam có đặc thù là nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng nhất định trong cơ cấu kinh tế, do đó đã chủ động được nguồn cung và phần nào hạn chế được các cú sốc về giá lương thực, thực phẩm trong hơn một năm qua.

Vẫn thận trọng

Với lạm phát đang quá cao so với mục tiêu và thậm chí một số nước chứng kiến thực trạng lãi suất thực (bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát) bị âm, những nước này đã buộc phải tiếp tục nâng lãi suất, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế. Ngược lại, Việt Nam đã chứng kiến áp lực lạm phát hạ nhiệt nhanh từ đầu năm đến nay và thấp hơn mục tiêu đề ra, trong khi lãi suất thực thời gian qua duy trì ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, sau cuộc đua lãi suất vào cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nên đã có điều kiện giảm lãi suất chính sách liên tiếp trong những tháng qua.

Cụ thể, theo TCTK, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2022. Còn theo NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cập nhật đến ngày 29-6-2023 chỉ còn 0,29%; kỳ hạn một tuần là 1,2% và hai tuần là 1,43%. Nếu so với đỉnh điểm 6% vào giữa tháng 3, lãi suất liên ngân hàng đã trượt dài từ đó đến nay.

Dù vậy, cũng cần lưu ý là tuy lãi suất điều hành và các loại lãi suất trên thị trường giảm nhanh, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng và cung tiền vẫn tăng rất thấp, cho thấy nhà điều hành vẫn đang thận trọng. Theo dữ liệu của TCTK, tính đến thời điểm 20-6-2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).

Trong khi tổng phương tiện thanh toán có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong quí 2 vừa qua (quí 1 chỉ tăng vỏn vẹn 0,57%), mức tăng của tín dụng riêng trong quí 2 (1,52%) thậm chí còn thấp hơn quí 1 (1,61%), theo dữ liệu của TCTK. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay đã phản ánh rõ nét bức tranh kinh tế đang giảm tốc và hoạt động của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như thế nào.

Thụy Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-viet-nam-co-the-nguoc-chieu-chinh-sach-tien-te/