Vì sao xu hướng mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi… tăng?

Giá cả hàng hóa được niêm yết rõ ràng, có xuất xứ nguồn gốc, có hạn sử dụng; không gian mua sắm sạch sẽ, thoáng mát; nhân viên phục vụ nhiệt tình; tích hợp nhiều mặt hàng tạo thuận tiện trong lựa chọn… Đó là những lý do mà càng có nhiều người dân Sóc Trăng chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng đang dần chuyển sang các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chuỗi Cửa hàng Bách hóa xanh tại tỉnh Sóc Trăng không ngừng nâng cao chất lượng để phục vụ người dân. Ghi nhận tại Cửa hàng Bách hóa xanh trên đường Nguyễn Trung Trực, Phường 2, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) thấy lượng khách vào mua sắm rất đông). Theo chị Linh, Phường 3, thành phố Sóc Trăng, thời gian gần đây chị thường xuyên đi siêu thị thay vì chợ truyền thống vì siêu thị bán đa dạng các mặt hàng, giúp chị dễ dàng lựa chọn. Bên cạnh đó, hàng hóa đều có ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu… nên chị yên tâm mua sắm. Chị Diện (Phường 2, thành phố Sóc Trăng) chọn mua trái cây, rau, củ, quả, gia vị, hàng bách hóa tại siêu thị vì không gian mua sắm sạch sẽ, không chen lấn, nhân viên phục vụ chu đáo, nhiệt tình. Anh Thường (Phường 2, thành phố Sóc Trăng) cũng mua sắm tại các siêu thị vì thấy an tâm hơn so với chợ truyền thống, thực phẩm được bảo quản tốt hơn và được kiểm duyệt khâu đầu vào.

Người dân mua thịt heo tại Cửa hàng Bách hóa xanh đường Nguyễn Trung Trực, Phường 2, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Người dân mua thịt heo tại Cửa hàng Bách hóa xanh đường Nguyễn Trung Trực, Phường 2, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Chị Nguyễn Thị Bích Chi - nhân viên Bách hóa xanh (đường Nguyễn Trung Trực, Phường 2, thành phố Sóc Trăng) cho biết, để phục vụ và thu hút người tiêu dùng mua sắm, Bách hóa xanh mở cửa từ 5h30 đến 21h30 hằng ngày; bố trí 12 nhân viên phục vụ; 4 quầy tính tiền để khách hàng không phải chờ lâu. Ngoài ra, hằng ngày Bách hóa xanh đều có các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 20 - 40% đối với thịt heo, thịt gà, cá, rau, củ, quả… Với chiến lược kinh doanh này, lượng khách của Bách hóa xanh ngày càng nhiều, kéo theo doanh thu cũng tăng dần qua từng tháng, dự kiến tháng 6/2024 sẽ đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/tháng, tăng gần 300 triệu đồng so với tháng 5/2024 là 2,2 tỷ đồng/tháng.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng, lượng khách và doanh thu của đơn vị trong những tháng đầu năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ, tương đương 5% lượng khách và 1,5% doanh thu. Điều này cho thấy nhu cầu mua sắm tại các siêu thị tăng dần. Ngoài chú trọng đặt chất lượng hàng hóa lên hàng đầu, Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, đa dạng kênh mua sắm, thanh toán linh hoạt… nên ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Dù biết nhiều mặt hàng tại siêu thị giá cao hơn so với chợ truyền thống nhưng anh Hiếu (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) thường xuyên chọn mua rau cải, gia vị… tại siêu thị vì hàng trưng bày bắt mắt, sạch sẽ, niêm yết giá minh bạch, người mua biết được nguồn gốc sản phẩm nên khi sử dụng cũng yên tâm hơn. Cũng theo anh Hiếu, mua hàng ở chợ truyền thống chủ yếu mua bằng “niềm tin”, bởi không biết nguồn gốc như thế nào? Cùng suy nghĩ với anh Hiếu, chị Thảo (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) hầu như đều sử dụng gia vị, thực phẩm khô của các siêu thị, riêng thịt heo, thịt gà, cá thì chị vẫn chọn chợ truyền thống nhưng chỉ mua chỗ mối quen và tự đánh giá chất lượng hàng hóa qua mắt thường nên chị rất e ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn chị Ngọc (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), từ khi có các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chị cũng chuyển dần mua sắm rau xanh, thịt heo, trái cây… tại nơi đây. Bởi chị yên tâm về chất lượng đầu vào, không phải trả giá (mặc cả) và không lo cân thiếu. Chị Trang (Phường 8, thành phố Sóc Trăng) cũng bày tỏ sự băn khoăn, hàng tiêu dùng của gia đình chị phần lớn đều được mua từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, còn thịt, cá đồng thì chị vẫn chọn mua ở chợ truyền thống nhưng cũng lo lắng sợ mua nhầm hàng không an toàn nên chị mong muốn cơ quan chức năng tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm tại các chợ truyền thống.

Số lượng người dân chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng tăng vì hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, giá cả niêm yết rõ ràng. Ảnh: HOÀNG LAN

Số lượng người dân chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng tăng vì hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, giá cả niêm yết rõ ràng. Ảnh: HOÀNG LAN

Từ chia sẻ của chính người tiêu dùng, nguyên nhân họ chuyển hướng sang mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phần lớn đều liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, mặt hàng đa dạng, giá cả niêm yết cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, phong cách phục vụ… Trong khi đó, tại các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin, đặc biệt gần đây tình trạng ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra nên khi mua sắm thực phẩm tươi sống, nhất là các loại thịt, hải sản... người dân càng thận trọng hơn.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 2 trung tâm thương mại, 45 siêu thị, hơn 60 cửa hàng tiện lợi phủ đều tại các huyện, thị xã, thành phố. Đây là những kênh mua sắm dần chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng. Dự kiến trong tương lai sẽ có nhiều siêu thị được "mọc lên", khi ấy chợ truyền thống sẽ càng “lép vế” nếu không chủ động thay đổi để thích ứng ngay từ bây giờ.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/vi-sao-xu-huong-mua-sam-tai-sieu-thi-cua-hang-tien-loi-tang-74172.html