Vị Xuyên: Khúc tưởng niệm giữa ngàn mây trắng
Mỗi mùa tháng Bảy, chúng tôi lại ngược về Tuyên Quang, lên núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy) - nơi có cao điểm 468 từng rực lửa chiến tranh để thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Từ Km0 trên đường Nguyễn Trãi, phường Hà Giang 1, chúng tôi theo tuyến đường cửa khẩu hơn hai mươi cây số để đến nhà tưởng niệm.
Giờ đây, gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc khốc liệt, mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc đã bình yên trở lại. Rừng cây xanh biếc đã phủ lên những dãy núi trập trùng, những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong khói lam chiều như vết da non đang lên trên một vết thương sâu. Nhưng những gì cuộc chiến để lại thì chưa hề lành - những nỗi đau vẫn lặng thầm nhức nhối trong lòng đất mẹ, còn đó bao ngôi mộ chưa biết tên trong nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia ở Vị Xuyên, còn biết bao liệt sĩ vẫn đang nằm lại giữa đại ngàn biên giới.
Những vết thương ấy không chỉ ám ảnh những người đồng đội năm xưa, mà còn lặng lẽ len vào tâm hồn những thế hệ sinh ra trong thời bình, chỉ biết về chiến tranh qua những câu chuyện kể lại trong chiều tháng Bảy - mùa tri ân, mùa giỗ trận.

Bức phù điêu lời thề chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên
Tháng Bảy ngược về Nậm Ngặt - nơi tri ân bất tận
Mỗi mùa tháng Bảy, chúng tôi lại ngược về Tuyên Quang, lên núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy) - nơi có cao điểm 468 từng rực lửa chiến tranh để thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Từ Km0 trên đường Nguyễn Trãi, phường Hà Giang 1, chúng tôi theo tuyến đường cửa khẩu hơn hai mươi cây số để đến nhà tưởng niệm.
Con đường từ phố núi đến cửa khẩu giờ đây đã được thảm nhựa bằng phẳng, êm ả như ru. Nhưng đoạn dẫn lên đài hương thì vẫn gian khó: đường bê tông nhỏ hẹp, chênh vênh bên sườn núi, quanh co, dốc dựng đứng. Vậy mà, khi đặt chân tới đỉnh đồi, bao mỏi mệt, hiểm nguy bỗng chốc tan biến. Cảnh sắc biên cương hiện ra trong tầm mắt: núi rừng hùng vĩ, mây trắng bồng bềnh, hương trầm ngan ngát hòa trong gió, như đưa ta về miền ký ức xa xăm, thiêng liêng đến nghẹn lòng.
Đài hương Nậm Ngặt - nay là Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên được xây dựng ngay tại cao điểm 468. Ngôi đền là công trình tâm linh do đồng đội, thân nhân các liệt sĩ trên mặt trận Vị Xuyên đóng góp công sức, tiền của dựng nên, và hiến tặng cho mảnh đất địa đầu cực Bắc như một biểu tượng của sự tri ân, lòng biết ơn và khắc ghi những năm tháng chiến đấu anh dũng.
Ngôi đền tọa lạc trên diện tích hơn 1.000m² giữa lưng chừng núi, gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và các hạng mục phụ trợ khác. Đây không chỉ là nơi yên nghỉ linh thiêng của những người lính “trẻ mãi không già”, mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất cho thế hệ hôm nay.
Từ đài hương, phóng tầm mắt ra xa theo lời chỉ dẫn của người trông đền, chúng tôi thấy rõ những cao điểm năm xưa: 685, 772, 1100, 1509, 233... Mỗi tên gọi không đơn thuần là một tọa độ quân sự, mà đã trở thành huyền thoại. Những cái tên như “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Ngã ba cửa tử”, “Đồi băm thịt”, “Thác âm phủ” - chỉ cần nghe đã thấy lạnh sống lưng bởi mức độ khốc liệt mà nơi đó từng chứng kiến.

Cựu chiến binh về dâng hương đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên
Khác với cuộc chiến tranh biên giới kéo dài chỉ ba mươi ngày ở nhiều điểm nóng khác, Vị Xuyên trở thành chiến trường ác liệt suốt mười năm trời (1979 - 1989). Từ ngày 17/2/1979, nơi đây trở thành tuyến đầu chặn bước quân xâm lược, chịu sự tấn công dữ dội của những quân đoàn tinh nhuệ nhất Trung Quốc. Đỉnh điểm của sự khốc liệt là ngày 12/7/1984, khi hàng trăm ngàn quả pháo dội xuống Vị Xuyên - Thanh Thủy. Riêng trong trận đánh ấy, hơn 1.000 chiến sĩ của các Sư đoàn 312, 316, 313, 314, 322, Sư đoàn 3 Sao Vàng, 325 và đặc biệt là Sư đoàn 356 đã hy sinh, trong đó riêng Sư đoàn 356 mất 593 người.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, người từng chỉ huy mặt trận Quảng Trị và Vị Xuyên, từng chia sẻ: “Mặt trận Quảng Trị rất ác liệt, nhưng Vị Xuyên còn khốc liệt hơn.” Trung bình mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn từ 3 đến 5 vạn quả pháo; có lúc, chỉ trong ba ngày, chúng đã bắn hơn 100.000 quả pháo vào thị xã Hà Giang.
Một miền ký ức bất tử giữa núi rừng đá vôi
Ngày hôm nay, đứng giữa đài hương cao vợi, trước rừng cây đang hồi sinh xanh mướt, thật khó hình dung nơi đây từng là “chảo lửa” chiến tranh. Đạn pháo từng cày xới đất đá thành những triền núi trắng xóa như vôi. Có hơn 4.000 liệt sĩ đã ngã xuống, hơn 9.000 thương binh từng đổ máu tại vùng đất này. Trong đó, vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy, và nhiều phần mộ trong nghĩa trang vẫn chưa xác định được tên tuổi.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng trong lòng đất, hàng ngàn hecta đồi núi vẫn tiềm ẩn chất nổ - di chứng của các trận địa xưa. Cái chết vẫn còn hiện hữu nơi chiến địa từng là “tử địa” của tuổi xuân.
Thế nhưng, chính nơi đây đã sản sinh những người lính bất tử, như anh hùng Nguyễn Viết Ninh với lời ghi trên báng súng: “Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử”; hay hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lửa đạn của anh hùng Lê Trần Mãn đã trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm.
Ngày giỗ trận 12/7 hàng năm đã trở thành ngày hội ngộ - nơi đồng đội và thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền trở về bên đài hương 468, bên nhau, bên bạn bè đã hóa linh thiêng. Giữa rừng núi Nậm Ngặt chiều buông, lời ca nhạc sĩ Trương Quý Hải trong bài “Về đây đồng đội ơi” vang lên tha thiết: “Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quê nhà…”
Những lời ca như khúc tưởng niệm mãi vọng vang nơi biên viễn, hòa vào gió núi, sông Lô, mây ngàn và tiếng gọi của đất mẹ.

Tác giả trước một cửa hầm thời chiến tranh biên giới, trên cao điểm 468, Vị Xuyên
Sự sống nảy sinh từ trong cái chết
Người trông đền kể lại, giữa rừng cây đang dần phủ xanh những quả núi từng trắng vôi vì pháo đạn, ông luôn nhớ câu văn trong truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ hy sinh.”
Quả thật, từ giữa những năm tháng khốc liệt, đã trỗi dậy một vùng biên cương kiêu hãnh. Và cho đến hôm nay, trong lòng mỗi người lính được trở về hay trong trái tim của những người dân đất Việt, các liệt sĩ Vị Xuyên vẫn sống mãi – với đồng đội, với quê hương, với đất nước thân yêu. Dù các anh đã hóa đá đi vào cõi bất tử thiên thanh.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/vi-xuyen-khuc-tuong-niem-giua-ngan-may-trang-a29418.html