Việc giao chỉ tiêu biên chế tính tới đặc thù tổ chức Công đoàn

Việc giao chỉ tiêu và lộ trình tinh giản biên chế cần tính tới đặc thù của tổ chức Công đoàn như: Số doanh nghiệp, số Công đoàn cơ sở và đoàn viên ngày càng tăng nhanh... Đó là một số kiến nghị từ cơ sở khi góp ý vào Luật Công đoàn sửa đổi.

Trong tháng 5 – Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh thành tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, lấy ý kiến góp ý về các dự thảo luật liên quan đến quyền lợi người lao động, công đoàn, trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi).

Cán bộ công đoàn cơ sở góp ý vào Luật Công đoàn sửa đổi.

Cán bộ công đoàn cơ sở góp ý vào Luật Công đoàn sửa đổi.

Anh Nguyễn Tràng Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV SXTMVA (Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội) khi góp ý về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho rằng: Khoản 8 Điều 10 ghi tổ chức Công đoàn "đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền". Tuy nhiên cần làm rõ việc đại diện khởi kiện tại Tòa án thì có phải ủy quyền không; vì theo quy định có thể thành lập tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp. Tiếp đó, đối với những công ty, doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn thì đại diện như thế nào.

“Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung vào Điều 28: “Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản của Công đoàn theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác”, anh Nguyễn Tràng Huy kiến nghị.

Còn ông Hoàng Hữu Tiến, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: Trong thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức Công đoàn Thủ đô không ngừng lớn mạnh về số lượng với trên 700 nghìn đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn không tăng, cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp 100% là kiêm nhiệm, trong khi tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Công đoàn phải nắm chắc tình hình doanh nghiệp, công nhân lao động và am hiểu kỹ năng hoạt động công đoàn và pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

Do đó, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Công đoàn cần bổ sung quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn là cán bộ, công chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Việc giao chỉ tiêu biên chế căn cứ theo số lượng đoàn viên, số lượng Công đoàn cơ sở mà đơn vị đó quản lý, có tính đến yếu tố đặc thù ngành (hoạt động tập trung hay phân tán...), địa phương (miền núi, hải đảo...); căn cứ khung biên chế chung giao cho cấp ủy quản lý tổ chức bộ máy, biên chế theo Quy định số 212-QĐ/TW như hiện nay, vừa đảm bảo nguyên tắc quản lý của Đảng, vừa đảm bảo tính hệ thống của tổ chức Công đoàn.

Việc giao chỉ tiêu và lộ trình tinh giản biên chế cần tính tới đặc thù của tổ chức Công đoàn, đó là: Số doanh nghiệp, số Công đoàn cơ sở và đoàn viên ngày càng tăng nhanh; hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì tình hình quan hệ lao động ngày càng diễn biến khó lường... Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển dụng được cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, xuất thân từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Cơ chế tuyển dụng thông qua các kỳ thi tuyển công chức như hiện nay không thể thu hút, tuyển dụng được cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, cán bộ Công đoàn cơ sở ưu tú.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, các hoạt động của tổ chức Công đoàn đã thay đổi rất mạnh mẽ, dẫn đến yêu cầu cần khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn 2012, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong đó, có những sửa đổi đáng chú ý như: Điều chỉnh cho phép người làm việc không có quan hệ lao động được gia nhập, hoạt động công đoàn; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam...; bổ sung các quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; hoàn thiện một số quy định về cơ chế tài chính, pháp luật công đoàn... để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Luật Công đoàn, quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5 của Dự thảo Luật sửa đổi), thống nhất phương án quy định người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thực tế ở một số đơn vị FDI, việc quản lý thời gian của người lao động rất chặt chẽ, việc tham gia các hoạt động do cấp trên triển khai hoặc dành thời gian cho hoạt động công đoàn đều phải báo cáo cụ thể với người sử dụng lao động. Do vậy, quy định về thời gian sử dụng giờ làm việc của cán bộ Công đoàn không chuyên trách (Khoản 2, Điều 27 của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)) được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ Công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm.

Tại Hội nghị tiếp xúc với cán bộ công đoàn do Liên đoàn Lao động Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Na Thái Thu Xương cho rằng: Về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), chúng tôi ghi nhận ý kiến, đề xuất của cán bộ Công đoàn liên quan đến các quy định về thời gian cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ Công đoàn; việc đại diện cho người lao động tham gia khởi kiện tại tòa; kiến nghị việc giao chỉ tiêu và lộ trình tinh giản biên chế cần tính tới đặc thù của tổ chức Công đoàn; đề xuất có chính sách, cơ chế để tuyển cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, phong trào; đề nghị Quốc hội quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh được xem xét miễn giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn…

Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bài, ảnh: XL/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/viec-giao-chi-tieu-bien-che-tinh-toi-dac-thu-to-chuc-cong-doan-20240603100151358.htm