Viện kiểm sát đề nghị mức án nào với 10 bị cáo kháng án vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi?

Cựu Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh và 2 người khác được đề nghị giảm án. 7 bị cáo còn lại bị VKS đề nghị tòa bác kháng án.

Ngày 26/6, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 7 bị cáo và 5 nhà thầu trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án liên quan những sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2).

Đối với kháng cáo của bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), phía VKS đề nghị tòa tuyên giảm nhẹ mức án từ 42 tháng tù còn 36 tháng tù nhưng hưởng án treo.

Còn các bị cáo Nguyễn Văn Thuật và Nguyễn Thiên Nam là 2 cựu giám đốc thuộc nhà thầu thi công gói thầu A1, họ yêu cầu các nhà thầu nộp thêm tiền khắc phục đáng kể so với hậu quả vụ án. Do đó, VKS đề nghị giảm 6-9 tháng tù cho 2 người này.

Trong 10 bị cáo, VKS đề nghị tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của 7 người. Ảnh: N.H.

Trong 10 bị cáo, VKS đề nghị tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của 7 người. Ảnh: N.H.

Trong phần luận tội, đại diện VKS phân tích, 10 bị cáo hầu tòa phúc thẩm đều có trình độ chuyên môn kỹ thuật, được phân công nhiệm vụ rõ ràng khi thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, họ đã không thực hiện đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hậu quả là đoạn cao tốc bị hư hỏng khi vừa sử dụng, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

"Các bị cáo dù không có tư lợi, đều làm việc với mong muốn sớm đưa con đường vào khai thác đúng tiến độ, góp phần phát triển kinh tế. Các bị cáo không bị cấp sơ thẩm tuyên bồi thường thiệt hại, song đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả nhưng không đáng kể so với phần thiệt hại", phía VKS đánh giá.

Với ông Mai Tuấn Anh, cơ quan tố tụng lập luận, bị cáo nộp khắc phục thêm 300 triệu đồng trong giai đoạn phúc thẩm. Bên cạnh đó, Tổng công ty VEC có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.

Hành vi phạm tội của Mai Tuấn Anh được nhìn nhận là vô ý, bị quy trách nhiệm liên đới trong thời gian đương chức. Bị cáo không vụ lợi và có nhiều thành tích khi còn công tác, nên được VKS đề nghị giảm án.

Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang sử dụng. Ảnh: D.T.

Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang sử dụng. Ảnh: D.T.

Về trách nhiệm dân sự, 5 nhà thầu đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại kết luận buộc họ bồi thường thiệt hại cho VEC. Theo VKS, cơ quan tố tụng đã tách các hạng mục không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định thiệt hại, đồng thời bỏ qua các hạng mục khác không tính được thiệt hại như vậy là đã có lợi cho các nhà thầu.

Cho nên, VKS đề nghị tòa án bác quan điểm của các nhà thầu cho rằng, thiệt hại vụ án chỉ là chi phí sửa các đoạn đường và khắc phục các khiếm khuyết nhỏ. Đến nay, chủ đầu tư là Tổng công ty VEC và các nhà thầu đều không có phương án khắc phục để công trình đúng thiết kế ban đầu.

Đó là lý do để VKS cấp cao đề nghị bác tất cả kháng cáo của 5 nhà thầu, giữ nguyên yêu cầu họ phải bồi thường cho Tổng công ty VEC tổng số tiền gần 460 tỷ đồng, như bản án sơ thẩm đã kết luận.

Ngoài ra, 5 nhà thầu có quyền yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn số tiền trong vụ án dân sự khác khi các bên có yêu cầu.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vien-kiem-sat-de-nghi-muc-an-nao-voi-10-bi-cao-khang-an-vu-cao-toc-da-nang-quang-ngai-192240626134654618.htm