Việt Nam có nhu cầu mua sắm hàng hóa từ Hoa Kỳ với số lượng lớn
Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã nhập khẩu nhiều sản phẩm như máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên nhiên vật liệu… từ Hoa Kỳ, trị giá lên tới nhiều tỷ đô la...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy triển khai các thỏa thuận thương mại hướng tới cân bằng cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chiều ngày 7/5/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam về việc thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Diên cho biết trong những năm qua, các tập đoàn này đã nhập khẩu rất lớn các sản phẩm như máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên nhiên vật liệu… từ Hoa Kỳ, trị giá lên tới nhiều tỷ đô la.
Tại cuộc họp, đại diện các Tập đoàn đã báo cáo về tình hình triển khai các thỏa thuận mua hàng đã ký kết trong năm 2025, đồng thời đánh giá và dự báo nhu cầu nhập khẩu, mua sắm trang thiết bị, dịch vụ hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu mà Hoa Kỳ có thế mạnh trong năm nay và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Các Tập đoàn cho biết từ nay tới tháng 6 năm 2025 sẽ tăng cường gặp gỡ, làm việc với các đối tác Hoa Kỳ để thúc đẩy việc hợp đồng để hiện thực hóa các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã ký kết.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định Việt Nam hiện có nhu cầu mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, dịch vụ từ Hoa Kỳ với số lượng lớn, giá trị cao và ổn định. Đây đều là những sản phẩm Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Tuy nhiên, ông Diên cũng thẳng thắn cho rằng trao đổi thương mại giữa hai nước chưa thực sự tương xứng tiềm năng. Do đó, cả hai bên đều cần khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điệu kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc mua bán các sản phẩm thiết yếu, bổ sung cho nhu cầu hàng hóa của nhau.
Đồng thời, ông Diên đề nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa để hiện thực hóa tiềm năng to lớn này. Đây là hành động thiết thực giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước một cách thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, góp phần hướng tới cân bằng cán cân thương mại hài hòa, bền vững.