Việt Nam có thể tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO?

Việc xây dựng thể chế tài chính và thị trường dịch vụ năng lượng hiệu quả là một trong những trụ cột quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh.

Mô hình doanh nghiệp dịch vụ năng lượng (ESCO) là hình thức công ty dịch vụ năng lượng, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện, bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng...

ESCO sẽ thực hiện gói dịch vụ năng lượng bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính... Hình thức này bảo đảm cho các chi phí đầu tư, kết quả tiết kiệm năng lượng và chịu rủi ro về thương mại để thực hiện giải pháp hiệu quả năng lượng và quản lý trong cả thời gian thực hiện dịch vụ.

Việt Nam đang thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và thực hiện các dự án năng lượng theo mô hình ESCO - Ảnh: EVN

Việt Nam đang thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và thực hiện các dự án năng lượng theo mô hình ESCO - Ảnh: EVN

Việc xây dựng một thể chế tài chính và thị trường dịch vụ năng lượng hiệu quả là một trong những trụ cột quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công Quỹ tiết kiệm năng lượng và mô hình ESCO, tạo ra cú hích lớn cho việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Ví dụ Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN về xây dựng thể chế hỗ trợ tiết kiệm năng lượng. Từ năm 1992, nước này đã thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng (ENCON Fund) với nguồn thu ổn định từ thuế nhiên liệu. ENCON Fund đóng vai trò là trung tâm tài chính của hàng loạt chương trình hỗ trợ kỹ thuật, bảo lãnh tín dụng, tài trợ nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp.

Chính phủ Thái Lan cũng vận hành thị trường ESCO mạnh mẽ. Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực như HVAC, chiếu sáng công nghiệp, cải tạo tòa nhà… dưới sự điều phối của Cơ quan Phát triển hiệu quả năng lượng (DEDE). Mô hình hợp tác ba bên - nhà nước hỗ trợ chính sách, doanh nghiệp triển khai kỹ thuật, ngân hàng cung cấp vốn - đã giúp thị trường ESCO Thái Lan vận hành minh bạch và bền vững.

Việt Nam có thể học hỏi các mô hình này để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Đánh giá về hiện trạng ESCO tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho biết theo số liệu điều tra, khảo sát của VECEA, Việt Nam hiện có hơn 200 tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng.

Có 3 loại hình tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tiết kiệm năng lượng, gồm: Tổ chức công lập; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài (chưa có số liệu thống kê).

Trong đó, tổ chức công lập (gồm các trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học…) tham gia vào lĩnh vực dịch vụ tiết kiệm năng lượng khá đa dạng, bao gồm: các dịch vụ kiểm toán năng lượng, đào tạo, truyền thông, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp… phần lớn không tham gia dịch vụ về tài chính, đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Doanh nghiệp nhà nước (các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam…) thực hiện các dự án ESCO thí điểm như: đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình và công nghiệp, các dự án chiếu sáng tiết kiệm năng lượng…, lợi nhuận chia sẻ theo thỏa thuận hoặc cung cấp năng lượng dài hạn theo hình thức mua bán tiện ích.

Còn loại hình doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng có phạm vi khá rộng, bao phủ hầu hết các lĩnh vực như tư vấn, đầu tư, thu xếp tài chính, chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro... Nhiều doanh nghiệp đã tư vấn đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, cung cấp thiết bị, lò hơi hiệu suất cao…, tập trung vào các lĩnh vực dễ đầu tư, thu hồi vốn nhanh và ít phức tạp về cả về kỹ thuật lắp đặt, vận hành, đặc biệt là phương pháp tính toán mức tiết kiệm và thu hồi vốn.

Để triển khai thực hiện mô hình này tại Việt Nam, Quỹ tiết kiệm năng lượng cần được thiết kế theo mô hình tài chính công - tư kết hợp, có khả năng thu hút và luân chuyển vốn, hỗ trợ đồng thời cho cải tạo công nghiệp, dân dụng và đổi mới công nghệ.

Thị trường ESCO Việt Nam cần hành lang pháp lý đầy đủ, đặc biệt là chuẩn hóa mẫu hợp đồng EPC, cơ chế chia sẻ tiết kiệm và tiêu chuẩn đánh giá độc lập. Phân tầng quản lý - điều phối hiệu quả: Việt Nam cũng cần có một cơ quan đầu mối quốc gia như DEDE (Thái Lan) hoặc KfW (Đức) kết nối kỹ thuật - tài chính - chính sách.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng nền tảng số trong giám sát tiết kiệm năng lượng và phổ biến thông tin về doanh nghiệp ESCO, hợp đồng mẫu, cơ hội đầu tư; kết hợp chiến lược cộng đồng hóa như Hà Lan, đưa tiết kiệm năng lượng về từng khu dân cư, tòa nhà, tổ dân phố; gắn tiết kiệm điện với chất lượng sống.

"Với định hướng sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam đang đứng trước cơ hội định hình một hệ sinh thái tiết kiệm năng lượng vững chắc, hiện đại và giàu tiềm năng hợp tác quốc tế", Bộ Công Thương nhận định.

Hiện tại, Bộ Công Thương cho rằng các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO tại Việt Nam chưa phát triển do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; chưa có quy định thanh toán, chi trả cho dịch vụ ESCO khi có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước, chưa có quy định về kiểm tra, giám sát mức độ tiết kiệm năng lượng của bên thứ 3, giải quyết tranh chấp hợp đồng và các vấn đề nảy sinh giữa ESCO và doanh nghiệp...

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-co-the-tiet-kiem-nang-luong-theo-mo-hinh-esco-232384.html