Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi lớn trong ngành điện tử?

Đây là nội dung thảo luận chính tại Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS với chủ đề 'Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam: Ứng dụng AI, Tự động hóa và Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu', ngày 2/7 tại Hà Nội. Sự kiện mở màn cho chuỗi Hội thảo chuyên ngành trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế NEPCON Vietnam 2025.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 250 đại biểu gồm lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ, đại diện cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam cho biết, trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, Việt Nam đang từng bước chuyển mình từ “công xưởng sản xuất” trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ cao của khu vực.

Ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Phương Trang)

Ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Phương Trang)

Với kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD năm 2024 và xu hướng tăng trưởng mạnh trong 2025, cùng sự hiện diện ngày càng lớn của các trung tâm R&D như Qualcomm, NVIDIA và chiến lược phát triển bán dẫn đến 2030, Việt Nam đang trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Lấy chủ đề “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam: Ứng dụng AI, Tự động hóa và Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”, sự kiện lần này song hành cùng NEPCON Vietnam, M-TALKS nhấn mạnh 3 vấn đề cốt lõi đang định hình tương lai ngành điện tử Việt Nam: Việt Nam nổi lên như điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển bán dẫn và R&D; và AI – tự động hóa đang làm thay đổi bản chất sản xuất, đòi hỏi chuẩn hóa công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực.

Ông Trần Hồng Quân khẳng định, việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi quyết đoán giúp thúc đẩy nội lực – từ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nội địa hóa cho đến chủ động trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng đang đứng trước không ít thách thức : 100% giá trị xuất khẩu điện thoại đến từ FDI nhưng 80% linh kiện vẫn phải nhập khẩu; hơn 90% nhà cung ứng cấp 1 là doanh nghiệp nước ngoài; khả năng R&D trong nước còn hạn chế, và Việt Nam chủ yếu vẫn đóng vai trò lắp ráp.

“Hiện nay đang là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình – từ một trung tâm lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu”, ông Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Phương Trang)

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Phương Trang)

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) phân tích, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, ngành điện tử có tỷ trọng xuất khẩu sang nước này lên tới hơn 40% trong một số phân khúc. Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu lớn nhất, chiếm tới 80% linh kiện và nguyên liệu cho ngành điện tử Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2024, xuất khẩu máy và thiết bị điện tử, thu âm của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 41,7 tỷ USD, chiếm 34,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này.

Trong bối cảnh thuế quan từ Mỹ có thể làm tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vì thế có thể bị ảnh hưởng đáng kể.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương khuyến nghị, để thích ứng với tình hình mới và đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa thời gian hoãn thuế với mức thuế nhập khẩu 10% hiện tại đến 8/7/2025, để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là với các đơn hàng đã ký kết cho thị trường này. Ưu tiên giao hàng sớm để tránh rủi ro khi thuế quan có thể tăng lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường đàm phán hợp đồng ngắn hạn, thương thảo với đối tác để ký thêm các hợp đồng giao hàng trong 60 – 90 ngày tới, tận dụng giai đoạn thuế thấp; tìm kiếm các giải pháp vận chuyển tiết kiệm như hợp tác với các hãng tàu lớn hoặc sử dụng cảng trung chuyển chi phí thấp để giảm áp lực chi phí trong trường hợp thuế tăng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những kịch bản ứng phó với các mức thuế, lập kế hoạch tài chính dự phòng, tính toán chi phí tác động của các kịch bản thuế 10%, 20%, 46% hoặc cao hơn để chuẩn bị nguồn vốn dự phòng, tái cơ cấu chi phí hoặc đàm phán vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Phương Trang)

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Phương Trang)

Việc đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 FTA mà Việt Nam đã ký với gần 70 nền kinh tế cũng sẽ giúp chúng ta giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Một số thị trường tiềm năng được đề cập bao gồm Ấn Độ, Trung Đông hoặc châu Phi…Các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư vào công nghệ và sản phẩm xanh, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như linh kiện bán dẫn, sản phẩm AI, hoặc thiết bị y tế, vốn nằm trong ưu tiên hợp tác với Việt Nam.

“Với sự phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cùng các giải pháp đồng bộ như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành điện tử Việt Nam có thể vượt qua khó khăn và củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho hay.

Phiên thảo luận mở cũng tập trung vào những câu hỏi thiết thực: Làm sao để doanh nghiệp Việt vượt qua rào cản khi ứng dụng AI? Chính phủ cần làm gì để thu hút FDI chất lượng cao? Các trường đại học cần đổi mới ra sao để bắt kịp nhu cầu nhân lực công nghệ.

Triển lãm quốc tế lần thứ 18 về Thiết bị, công nghệ kiểm tra, hàn bề mặt SMT và công nghiệp hỗ trợ ngành Điện tử (NEPCON Vietnam 2025) – sẽ diễn ra từ ngày 10-12/9 năm 2025 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hanoi, 91 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với chủ đề “Hội tụ công nghệ – Nâng tầm điện tử Việt”, sự kiện do RX Tradex Việt Nam tổ chức dự kiến quy tụ hơn 300 thương hiệu toàn cầu, nhiều hoạt động hội thảo chuyên sâu, các hoạt động giao thương, chuyển giao công nghệ. Sự kiện hứa hẹn tiếp tục là điểm hẹn chiến lược giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà đầu tư trong bối cảnh ngành điện tử toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ.

Phương Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-da-san-sa-ng-cho-cuoc-chuye-n-do-i-lon-trong-nga-nh-dien-tu-319809.html