Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng về bảo vệ di sản văn hóa

Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 4/5 Công ước về văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) liên quan trực tiếp đến lĩnh vực di sản văn hóa. Các hoạt động thực tiễn đã chứng minh Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại vào giữa tháng 12/2003. Ảnh: Thu Hằng

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại vào giữa tháng 12/2003. Ảnh: Thu Hằng

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 4 Công ước của UNESCO gồm: Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa (năm 1970), Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (năm 1972), Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (năm 2003), Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (năm 2005).

Khung pháp lý về di sản văn hóa được hoàn thiện

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc tham gia các công ước UNESCO về văn hóa không chỉ thể hiện tinh thần hòa nhập của Việt Nam cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai, phục vụ phát triển du lịch bền vững, mà còn hướng đến mục tiêu chung cao cả của UNESCO là “góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên cơ sở thắt chặt sự hợp tác giữa các dân tộc thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa, vì mục đích tôn trọng trên phạm vi toàn cầu công lý, luật pháp, các quyền con người và quyền tự do cơ bản đối với mọi người…”.

Thực tế, Việt Nam đã thể hiện tinh thần và trách nhiệm của mình trong thúc đẩy sự phát triển các công ước UNESCO. Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và được tín nhiệm bầu là thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013 - 2017), Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và nhiệm kỳ 2022 - 2026), Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 (nhiệm kỳ 2021 - 2025). Những nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Quá trình tham gia các công ước của UNESCO, Việt Nam cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản thế giới nói riêng, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa. Ngay sau khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật, từ Sắc lệnh số 65/SL được Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945, trong đó nêu rõ: “Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”, khẳng định vai trò quan trọng của việc bảo tồn cổ tích (di tích, di vật, cổ vật) với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ cổ tích...

Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 16/7/1998 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng xác định, một trong những nhiệm vụ cụ thể thời gian tới là “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới ở Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền cho biết: “Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); 8 nghị định của Chính phủ; 3 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị theo thẩm quyền”.

Hàng ngàn di sản được kiểm kê, bảo tồn

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong số đó, có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành đến nay, đã có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 483 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Bên cạnh đó, còn có 9 di sản tư liệu của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Ảnh: Thu Hằng

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Ảnh: Thu Hằng

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) mở rộng sang quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương), Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang (Bắc Kạn, Tuyên Quang), di tích văn hóa Óc Eo (An Giang). Đồng thời, hiện nay, UNESCO đang xem xét theo lộ trình đối với Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh).

Các chủ thể di sản văn hóa, các nghệ nhân nắm giữ di sản cũng được quan tâm, tạo điều kiện để thực hành và trao truyền, phát huy giá trị di sản. Sau 3 đợt xét phong tặng danh hiệu (năm 2015, 2019 và 2022), đã có 1.881 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, trong đó, có 131 Nghệ nhân Nhân dân và 1.619 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Về phía Hội đồng thuộc lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, cũng đã có 17 Nghệ nhân Nhân dân, 120 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng.

Cùng với đó, nhiều dự án hợp tác về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện, như: Dự án bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long do Quỹ Tín thác (Nhật Bản) tài trợ; Dự án tăng cường hợp tác liên biên giới về bảo tồn đa dạng sinh học giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu bảo tồn Hin Nậm Nô (CHDCND Lào) do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ.

Dự án Bảo vệ Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam do Quỹ Tín thác tài trợ thông qua UNESCO giai đoạn 2005 - 2009; Dự án Bảo vệ và phát huy tri thức bản địa gắn với môi trường sinh thái của người Hà Nhì đen ở Lào Cai; Dự án Bảo vệ các truyền thống truyền khẩu và biểu đạt của người Dao ở tỉnh Lào Cai và Lai Châu do Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO tài trợ; Dự án Bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Đắk Nông do Quỹ Tín thác Na-uy tài trợ thông qua UNESCO (2007 - 2009)...

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-dat-duoc-nhung-buoc-tien-quan-trong-ve-bao-ve-di-san-van-hoa-post461018.html