Việt Nam - EU thúc đẩy hợp tác, phát triển thương mại nông, lâm, thủy sản
Chiều 18/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và hợp tác phát triển. Sự hợp tác, hỗ trợ của EU thời gian qua đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050. Trong quá trình xây dựng chiến lược, Việt Nam đã tham khảo một số chính sách tiên phong của EU như: thỏa thuận xanh; chiến lược chuỗi thực phẩm an toàn sức khỏe và thân thiện môi trường; kinh tế tuần hoàn; đa dạng sinh học…
Hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26, cùng với việc thực hiện chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định ngành nông nghiệp; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố Glassgow về "Rừng và sử dụng đất" nhằm quản lý và sử dụng diện tích rừng hiện có động thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu trữ các-bon.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030. Sau khi chiến lược được ban hành, Bộ sẽ ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp. Bộ đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành đến năm 2030; tham vấn các đối tác quốc tế; trong đó có EU về xây dựng các dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các-bon thấp…
Với các kế hoạch trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn EU hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam về nguồn tài chính và kỹ thuật để triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp như: tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng và trữ lượng các-bon rừng; quản lý rừng bền vững; phục hồi rừng… hay việc hỗ trợ đầu tư nông nghiệp xanh trên toàn chuỗi giá trị nông sản; mở rộng thực hành nông nghiệp thông minh ở các vùng sinh thái khác nhau.
Về thương mại nông, lâm, thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, EU là thị trường nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại nông, lâm, thủy sản song phương năm 2021 đạt 5,2 tỷ USD, tăng trên 14% so với năm 2020.
"EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn, truyền thống và tiềm năng cho nông sản Việt Nam, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, tạo cơ hội lớn thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Để thực thi hiệu quả ca kết tại Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EU tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam có mặt tại thị trường EU; phối hợp, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện và vận hành tốt Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) để sớm có lô hàng gỗ được cấp phép FLEGT vào EU. EU tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để thống nhất các nội dung về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
Theo Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Frans Timmermans, hai bên có thể tìm ra những hướng đi để cùng phát triển và thương mại là yếu tố trung tâm. Thực hiện các cam kết tại hiệp định thương mại, hai bên sẽ cùng thúc đẩy hợp tác, phát triển thương mại theo hướng bền vững mà không để lại tác động tiêu cực đến môi trường.
Để phát triển thương mại giữa hai bên, ông Frans Timmermans cũng đề nghị Việt Nam sớm cấp phép những hồ sơ đăng ký các mặt hàng xuất khẩu nông sản như trái cây, sản phẩm động vật từ EU sang Việt Nam; sớm đưa ra danh mục các chỉ dẫn địa lý mà Việt Nam công nhận với các mặt hàng nông sản của phía EU.
"EU sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để có thể sớm giải quyết các vấn đề Việt Nam đang gặp phải để hàng hóa Việt Nam sang EU có thể tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của EU", ông Frans Timmermans cho biết.
Với cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam xác định chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trong tâm của ngành, không chỉ vì tính cấp thiết trong xuất khẩu mặt hàng thủy sản mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, nhất là thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC. Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo thường xuyên theo dõi tình hình, tổ chức đoàn kiểm tra và ban hành các băn bản quy định cần thiết. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp có các cuộc họp chỉ đạo trực tiếp tới cấp xã để việc triển khai đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định.
Cùng với những chỉ đạo, Việt Nam cũng đã hoàn thiện và ban hành khung pháp lý mới gồm: Luật Thủy sản, các nghị định, thông tư… tương thích với luật pháp quốc tế và những khuyến cáo của EC. Ngành nông nghiệp cũng đã và tiếp tục nỗ lực thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát quản lý đội tàu cá; chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; xử lý vi phạm; triển khai mạnh việc hợp tác với các quốc gia có biển về chống khai thác IUU; gia nhập Hiệp định các quốc gia có cảng của FAO…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khắc phục và ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các khuyến nghị, cũng như sớm gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam; đồng thời chia sẻ những khó khăn, sự khác biệt của Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá, có tính tới yếu tố đặc thù về sự phức tạp tại Biển Đông, sinh kế của ngư dân và nghề cá nhiệt đới.
Ông Frans Timmermans cũng đánh giá, ở cấp độ chính trị cao, Việt Nam đã đưa ra các biện pháp về luật pháp rất nghiêm ngặt để đạt được những kết quả trong các khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn những vấn đề về kỹ thuật cần được giải thích, làm rõ hơn để Việt Nam có thể sớm gỡ được thẻ vàng.
”EC sẽ có đoàn công tác đến thực địa tại các địa phương Việt Nam thời gian tới để đánh giá về việc những kết quả, tiến bộ Việt Nam đã đạt được để sớm xử lý vấn đề này”, ông Frans Timmermans cho biết.