Việt Nam luôn ở vị trí trung tâm trong một ASEAN không ngừng đổi mới
Trong quá trình ASEAN không ngừng đổi mới, Việt Nam luôn ở vị trí trung tâm. Việt Nam nổi bật như một cầu nối đáng tin cậy, một nhà đổi mới chính sách và một nhân tố ổn định lại khu vực.
Với tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn, năng lực ngoại giao chủ động và chính sách hướng đến con người, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ASEAN thực sự bền vững, năng động và bao trùm vào năm 2045.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2025), Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai đã có những chia sẻ với phóng viên Đài Hà Nội.

Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 7 của ASEAN tại Brunei chiều 28/7/1995.
Phóng viên: Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2025, Đại sứ đánh giá như thế nào về dấu mốc Việt Nam gia nhập ASEAN cách đây 30 năm cũng như hành trình là thành viên của Khối trong ba thập kỷ qua?
Đại sứ Dato' Tan Yang Thai: Trước hết, tôi xin chúc mừng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm gia nhập ASEAN. Từ khi trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và giữ vai trò trung tâm trong tiến trình phát triển của khối. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở đường cho việc tiếp tục kết nạp Lào và Myanmar vào năm 1997, kết nạp Campuchia vào năm 1999 để hoàn thiện Cộng đồng ASEAN với 10 thành viên.
Năm nay, ASEAN hy vọng sẽ kết nạp Timor-Leste là thành viên thứ 11 vào tháng 10 tới.
Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật cho quá trình xây dựng Cộng đồng, đặc biệt là khi ASEAN chuyển mình từ một tổ chức khu vực khá lỏng lẻo sang một cộng đồng dựa trên luật lệ.
Nhìn lại có thể thấy Việt Nam để lại dấu ấn ngay từ Kế hoạch Hành động Hà Nội 1998, đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 và dẫn dắt quá trình hoạch định Tầm nhìn ASEAN 2020. Việt Nam cũng là nước hỗ trợ mạnh mẽ việc thành lập các cơ chế mở rộng như ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) góp phần nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN.
Trong quá trình ASEAN không ngừng đổi mới, Việt Nam luôn ở vị trí trung tâm. Đặc biệt, khi làm Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong việc thể chế hóa các diễn đàn mới như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), hiện là cơ chế an ninh then chốt của khu vực.
Đáng chú ý nhất là năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo và xử lý khủng hoảng hiệu quả trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức trực tuyến, đồng thời thiết lập Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN và triển khai các biện pháp phục hồi chung, khẳng định tinh thần đoàn kết và khả năng phản ứng linh hoạt của Khối.
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam góp phần hình thành lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và thúc đẩy chương trình nghị sự về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Việt Nam là tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ nguyên tắc không can thiệp chủ quyền quốc gia, đồng thời thúc đẩy hợp tác thực chất.
Việt Nam đang nổi lên là nền kinh tế năng động bậc nhất ASEAN, đóng góp lớn cho thương mại toàn cầu và là điểm đến FDI hấp dẫn trong khu vực.
Sau 30 năm, Việt Nam đã chuyển mình từ một thành viên mới thành quốc gia có tiếng nói xây dựng, có trách nhiệm và thúc đẩy đồng thuận trong nội khối. Vị thế ngoại giao của các bạn ngày càng được củng cố, thể hiện cam kết mạnh mẽ với hòa bình, thịnh vượng và bản sắc chung - đúng với tinh thần Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur tháng 5/2025.
Phóng viên: Theo Đại sứ, Việt Nam có vị trí, vai trò như thế nào trong giai đoạn chuyển mình quan trọng hiện nay của ASEAN?
Đại sứ Dato' Tan Yang Thai: Trên trụ cột chính trị - an ninh, Việt Nam nổi bật là một trong những quốc gia kiên định bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông qua đường lối ngoại giao cân bằng và cách tiếp cận linh hoạt, Việt Nam góp phần duy trì ổn định khu vực trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa các nước lớn. Như tôi đã nói, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam tích cực thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, thể hiện rõ vai trò trong việc xây dựng lập trường chung về an ninh hàng hải. Đây là minh chứng cho nỗ lực giữ vững luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, giữa cao điểm COVID-19, Việt Nam thể hiện năng lực điều phối khủng hoảng hiệu quả về an ninh y tế và tiếp tục đóng góp vào ứng phó các thách thức xuyên biên giới như tội phạm, an ninh mạng…
Trên trụ cột kinh tế, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với tiến trình hội nhập khu vực, ủng hộ tự do hóa thương mại, tích cực thúc đẩy thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khung phục hồi kinh tế ASEAN. Trong lĩnh vực kinh tế số và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN (DEFA), đồng thời vận động sự ủng hộ toàn khu vực nhằm tăng cường năng lực và khả năng thích ứng cho các doanh nghiệp.
Về phát triển bền vững, Việt Nam tích cực tham gia vào hợp tác năng lượng ASEAN và thúc đẩy khung đầu tư xanh, phù hợp với định hướng ASEAN Green Deal đang hình thành.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác nội khối về đào tạo kỹ thuật, giáo dục nghề và trao đổi thanh niên. Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến như Hội nhập ASEAN và Hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.
Về bản sắc, văn hóa và ngoại giao nhân dân, Việt Nam không ngừng thúc đẩy nhận thức về ASEAN, tôn vinh đa dạng văn hóa và tăng cường gắn kết xã hội thông qua giáo dục, ngôn ngữ...
Tổng thể, tôi cho rằng Việt Nam nổi bật như một cầu nối đáng tin cậy, một nhà đổi mới chính sách và một nhân tố ổn định lại khu vực. Với tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn, năng lực ngoại giao chủ động và chính sách hướng đến con người, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ASEAN thực sự bền vững, năng động và bao trùm vào năm 2045.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai.
Phóng viên: Theo Đại sứ, trong thời gian tới, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Malaysia có thể tiếp tục phát huy thế nào để góp phần tạo động lực phát triển mới cho ASEAN?
Đại sứ Dato' Tan Yang Thai: Tôi cho rằng việc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Malaysia và Việt Nam là rất đúng thời điểm. Nhìn lại, quan hệ song phương đã có nền tảng vững chắc từ lâu. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và mở Đại sứ quán tại Hà Nội và Kuala Lumpur vào năm 1976. Từ cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân.
Tính đến nay, Malaysia đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào Việt Nam, với khoảng 760 dự án trải rộng ở các lĩnh vực như sản xuất, tài chính, bất động sản, chứng khoán, giao thông vận tải…
Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Malaysia, đặc biệt tại những nơi như Hải Phòng, một cảng biển quan trọng, đang phát triển mạnh mẽ nhờ các khu công nghiệp được quy hoạch tốt, cũng như Đà Nẵng và tất nhiên là TP. Hồ Chí Minh.
Lượng khách du lịch Malaysia đến Việt Nam đã tăng đột biến. Khi tôi mới nhận nhiệm vụ gần 3 năm trước, lượng khách chỉ khoảng 300.000 - 400.000 người. Tuy nhiên, đến hết năm nay, con số này dự kiến tăng gấp đôi lên 800.000 người. Đây là một bước phát triển rất đáng kể, cho thấy người dân Malaysia rất quan tâm đến Việt Nam và mong muốn khám phá, tìm hiểu nhiều hơn về đất nước láng giềng.
Ngoài ra, Việt Nam còn là trung tâm sản xuất đang nổi lên. Chúng tôi nhập khẩu rất nhiều linh kiện điện tử. Malaysia là một mắt xích trong chuỗi cung ứng chip điện tử. Chúng tôi đang cung cấp nhiều loại chip cần thiết cho các nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều thuận lợi thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đặc biệt nhờ lực lượng lao động trẻ.
Theo tôi, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện chính là “chất xúc tác” thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Việt Nam và Malaysia đang đẩy mạnh hợp tác song phương trong thương mại năng lượng xanh, chuỗi cung ứng thực phẩm Halal, hướng tới mở rộng quy mô ra toàn ASEAN. Việc đồng bộ hóa thế mạnh về sản xuất của Việt Nam với năng lực thị trường và đầu tư của Malaysia sẽ góp phần xây dựng hành lang chuỗi cung ứng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số và kinh tế xanh của ASEAN vào năm 2045.
Các điều khoản về năng lượng tái tạo và hợp tác phát triển chung cũng mở đường cho việc khai thác nguồn điện gió ngoài khơi dồi dào của Việt Nam để kết nối vào lưới điện Malaysia và xa hơn là lưới điện chung ASEAN. Đây là đóng góp thiết thực giúp khu vực đạt mục tiêu năng lượng tái tạo và kết nối khu vực.
Cùng với đó, hợp tác về giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững. Từ đó, Việt Nam và Malaysia cùng đóng góp tích cực vào một ASEAN thịnh vượng, bao trùm và gắn kết vào năm 2045.
Một trong những điều tôi hy vọng Tầm nhìn ASEAN 2045 đạt được đó là thế hệ trẻ và người dân trong tương lai không chỉ nhận mình là người Malaysia, Việt Nam, Singapore hay Indonesia, mà còn là công dân ASEAN. Giống như ở EU, có người Đức, Tây Ban Nha, Pháp nhưng tất cả đều là người châu Âu. Hy vọng chúng ta cũng sẽ sớm xây dựng được bản sắc khu vực như vậy. Điều này đang được hình thành dần qua các kết nối, và hiện tại chúng ta phần lớn đã có chế độ miễn thị thực trong nội khối ASEAN dành cho giới trẻ. Nhờ đó, người dân có thể du lịch đến các nước ASEAN khác mà không cần xin visa. Đây là bước tiến rất quan trọng, rất tốt cho sự gắn kết trong tương lai và quá trình xây dựng cộng đồng chung.