Việt Nam nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người

Không chỉ tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam còn luôn coi trọng và nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người, đạt được những thành tựu quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ và phát huy những giá trị, thành tựu về quyền con người

Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ và phát huy những giá trị, thành tựu về quyền con người

Truyền tải thông điệp đột phá để bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Trên tinh thần hợp tác với các đối tác để thúc đẩy một chương trình nhân quyền toàn diện, xây dựng, dựa trên đối thoại và hợp tác, hôm nay 7-7, Đoàn Việt Nam với đại diện của 9 cơ quan gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn bắt đầu tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. ICCPR là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với số lượng các quốc gia tham gia đông đảo, 173 quốc gia. Công ước có nội dung quy định các quyền gắn liền với các cá nhân từ khi sinh ra đến hết cuộc đời như quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội…

Trước đó, tại Phiên đối thoại lần thứ 3 giữa Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về việc thực thi Công ước ICCPR diễn ra vào ngày 11 và 12-3-2019 tại Geneva, Việt Nam đã trình bày Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 (giai đoạn 2002-2017). Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã đưa ra các khuyến nghị sau phiên đối thoại và Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thực tiễn thực hiện các quyền dân sự, chính trị.

Để chuẩn bị cho việc báo cáo tình hình thực hiện Công ước ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam, chúng ta đã gửi Báo cáo ICCPR lần thứ 4 tới Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Trên cơ sở Báo cáo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam, theo quy trình của Ủy ban Nhân quyền, ngày 28-5-2024, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã đưa ra Danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam. Trên cơ sở danh sách này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm. Ngày 19-12-2024, Việt Nam đã gửi Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo ICCPR lần thứ tư của Việt Nam tới Ủy ban Nhân quyền.

Ngoài ra, cũng nhằm chuẩn bị cho Phiên đối thoại lần này, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ Công ước ICCPR lần thứ 4. Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành có liên quan đã thực hiện rà soát Danh sách các vấn đề quan tâm năm 2024, khuyến nghị năm 2019 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và hơn 50 báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (báo cáo độc lập) về tình hình thực thi Công ước tại Việt Nam để chủ động cho việc chuẩn bị nội dung tham gia Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc lần này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc là cơ hội để Việt Nam báo cáo những nỗ lực cũng như những kết quả của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước ICCPR. Đoàn Việt Nam tham gia phiên đối thoại diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7 trên tinh thần cởi mở, chân thành, hợp tác và xây dựng. Trong Phiên đối thoại, Đoàn Việt Nam sẽ tập trung vào một số thông điệp như Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Luôn phát huy tối đa yếu tố con người

Việc tham gia một cách tích cực, chủ động Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc cho thấy Việt Nam đã hợp tác chủ động, tích cực, trách nhiệm để thúc đẩy thực thi hiệu quả Công ước ICCPR, một trong những điều ước đa phương quan trọng về quyền con người. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác để thúc đẩy một chương trình nhân quyền toàn diện, xây dựng, dựa trên đối thoại và hợp tác. Những cam kết và hành động của Việt Nam đưa ra thêm một lần nữa khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người. Đó cũng là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên tích cực và trách nhiệm.

Sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đó là Công ước ICCPR, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước Quốc tế về các quyền của người khuyết tật (CRPD), Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT).

Bên cạnh các điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản trên, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế. Việc tham gia các công ước quốc tế về quyền con người là một minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.

Không chỉ tham gia ngày càng nhiều các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn nghiêm túc, trách nhiệm trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên các công ước, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế. Qua đó, các quyền con người được quy định ngày càng cụ thể và toàn diện hơn trong luật pháp quốc gia của nước ta.

Điều quan trọng là các cam kết quốc tế cùng thể chế hóa bằng pháp luật đã đi vào cuộc sống để không ngừng thúc đẩy và bảo đảm quyền con người tại nước ta. Trên nền tảng pháp lý ngày càng hoàn thiện, Đảng, Nhà nước Việt Nam nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trước tiên là mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-no-luc-thuc-hien-cac-cam-ket-quoc-te-ve-quyen-con-nguoi-post616770.antd