Việt Nam phát huy vai trò thành viên trách nhiệm của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO
Từ ngày 6 - 16/7, Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Liên Hợp Quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) ở Paris (Pháp), với sự tham dự của của hơn 1.000 đại biểu đến từ 21 quốc gia thành viên Ủy ban và hơn 100 quan sát viên.
Đây là Kỳ họp thứ hai Việt Nam tham gia với tư cách thành viên Ủy ban Di sản thế giới UNESCO nhiệm kỳ 2023 – 2027. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp.
Phát biểu tại kỳ họp, đại diện Việt Nam khẳng định luôn chú trọng triển khai hiệu quả Công ước Di sản thế giới, lồng ghép tinh thần và nội dung của Công ước vào Luật Di sản văn hóa năm 2024 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, chú trọng đặt cộng đồng, người dân vào trung tâm, đề cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản thế giới tại Việt Nam, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác hiệu quả với Trung tâm Di sản thế giới và các cơ quan tư vấn.

Thứ trưởng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và đoàn Việt Nam làm việc với Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về văn hóa Ernesto Ottone Ramirez. Ảnh: Anh Tuấn
Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp cho Quỹ Di sản thế giới, đề xuất UNESCO và các nước thành viên tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.
Nhân dịp này, ngày 10/7, Thứ trưởng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ cũng đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Giáo sư Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về văn hóa Ernesto Ottone Ramirez, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo, Tổng Giám đốc Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) cùng Trưởng đoàn 20 nước thành viên Ủy ban Di sản thế giới để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương.

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO. Ảnh: Anh Tuấn
Trợ lý Tổng Giám đốc về văn hóa đánh giá cao kết quả chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO (10/2024) và chuyến thăm Việt Nam rất thành công vừa qua của Tổng Giám đốc UNESCO (6/2025), góp phần nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO, thể hiện sự tin cậy chiến lược và tầm nhìn chung hai bên. Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới chia sẻ nhận định Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng, tin cậy, đóng góp hiệu quả, thực chất cho hợp tác UNESCO; là hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia thành viên với Tổ chức; là điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Lãnh đạo UNESCO và các quốc gia thành viên cho rằng Việt Nam có nhiều sáng kiến, mô hình hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới cần được chia sẻ rộng rãi với các quốc gia thành viên khác.

Đoàn Việt Nam làm việc với Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) về hồ sơ Quần thể Danh thắng và Di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Anh Tuấn
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Nguyễn Minh Vũ mong muốn Lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Côn Sơn – Kiếp Bạc được xem xét ghi danh tại Kỳ họp lần này, Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Thành phố sáng tạo TP.HCM… Lãnh đạo UNESCO và ICOMOS cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị.