Việt Nam sẵn sàng chia sẻ sáng kiến OCOP với các quốc gia

Đến tháng 6/2025, Việt Nam có 16.855 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,8% sản phẩm 3 sao, 26,7% sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 5 sao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Phố Hiến

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Phố Hiến

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, qua đó góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Đây là thông tin được cho biết tại Diễn đàn Cấp cao liên khu vực về Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức ngày 15/7, tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của 14 Bộ trưởng đến từ châu Phi và là minh chứng rõ nét cho nỗ lực định vị Việt Nam như một “điểm đến tri thức” về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.

Tại Việt Nam, Chương trình OCOP được triển khai trên toàn quốc từ giữa năm 2018. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với trên 60% dân số sống ở khu vực nông thôn.

Từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện sinh kế và phát triển nông thôn toàn diện.

Ngành nông nghiệp đóng góp 12% GDP, duy trì đà tăng trưởng ở mức 3,3%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD năm 2024. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng nông nghiệp đạt 3,84%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,84 tỷ USD (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước).

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh, như: tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lãng phí lương thực, thực phẩm.

Trong đó, mô hình OCOP ra đời nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi người dân, mỗi cộng đồng để gia tăng giá trị, hình thành các sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc của mỗi địa phương, mỗi vùng, miền

Việt Nam đã và đang thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững như cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc năm 2021. Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hội nhập mạnh mẽ, đặt mục tiêu tăng trưởng trên 4%/năm, đóng góp tích cực vào kỷ nguyên mới của dân tộc với mục tiêu tăng trưởng liên tục trên 10%/năm của cả quốc gia.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp và môi trường, tầm nhìn của Việt Nam về OCOP là xây dựng chuỗi giá trị bền vững, cạnh tranh và bao trùm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. OCOP không chỉ là thương hiệu mà là mô hình tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.

“Để cùng nhau phát triển Chương trình OCOP gắn với mục tiêu "Bốn tốt hơn" của FAO, các quốc gia cần tăng cường hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng yếu thế” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Các đại biểu tham quan sản phẩm OCOP của Việt Nam. Ảnh: Phố Hiến

Các đại biểu tham quan sản phẩm OCOP của Việt Nam. Ảnh: Phố Hiến

Với những kinh nghiệm thực tiễn, Việt Nam đang trở thành điểm sáng và sẵn sàng chia sẻ cách làm, công nghệ và chính sách để nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, hướng đến mục tiêu “Bốn tốt hơn” vì người dân, vì hành tinh, vì sự thịnh vượng và vì hòa bình.

Đánh giá cao Chương trình OCOP của Việt Nam, đại diện FAO cho biết, sáng kiến này không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng chống chịu và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là chìa khóa để châu Á và châu Phi cùng hành động, cùng tiến về phía trước.

Thông qua sáng kiến Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế), tổ chức FAO đang thúc đẩy phát triển 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa từng địa phương.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng đến từ châu Phi

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng đến từ châu Phi

Thông tin thêm về kết quả ngành nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, tính đến nay, Việt Nam có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng, bao bì và thương hiệu; hơn 60% chủ thể ghi nhận doanh thu tăng trung bình 18%/năm. Hàng triệu việc làm được tạo ra, góp phần đáng kể vào nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn.

OCOP đã chứng minh là công cụ hiệu quả giúp trao quyền cho cộng đồng, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cộng đồng nông thôn trong khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Chương trình OCOP của Việt Nam không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, mà còn hiện thực hóa 4 mục tiêu cốt lõi - "Bốn tốt hơn" của FAO.

Dự kiến, ngày 16/7, các đại biểu sẽ có chuyến thăm thực địa các mô hình OCOP tại tỉnh Ninh Bình, qua đó giúp thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các quốc gia trong thời kỳ mới.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/viet-nam-san-sang-chia-se-sang-kien-ocop-voi-cac-quoc-gia-41653.html