Việt Nam tăng 2 bậc xếp hạng toàn cầu về chỉ số phát triển con người

Theo UNDP, dù gặp khó khăn trong đại dịch nhưng Việt Nam đã tránh được 'sự đảo ngược trong tiến độ phát triển con người' và tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu HDI năm 2021/2022.

Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.

Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.

Ngày 9/9, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 với chủ đề "Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi".

Theo UNDP, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược trong tiến độ phát triển con người.

Cụ thể, giá trị Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 năm 2021, về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704).

Với kết quả đó, Việt Nam tăng hai bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về HDI, từ vị trí 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.Theo phân tích của Báo cáo, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao từ năm 2019.

HDI dựa trên tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình, đưa ra một thước đo tổng quát về sự phát triển con người.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Tốc độ gia tăng HDI chậm lại trong thập kỷ qua, chủ yếu là do Việt Nam đã là nước giàu hơn với mức tuổi thọ và trình độ học vấn tương đối cao so với mức thu nhập.

Mặt khác, chỉ số Bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam, đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giới, cũng tiếp tục được cải thiện vào năm 2021.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm của UNDP cho biết, đối với chỉ số GII xem xét sức khỏe sinh sản, trao quyền và sự tham gia vào lực lượng lao động, GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia.

“Việt Nam thực hiện tốt các khía cạnh về giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tăng tỷ lệ đi học của trẻ em gái, phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Quốc hội vẫn còn thấp”, bà Ngọc nói.

Việt Nam có đủ khả năng khôi phục đà phát triển

Tại buổi công bố, GS. Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP nhận định, Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do Covid-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong HDR.

GS. Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP

“Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022”.

Theo UNDP, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Khủng hoảng ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra những sự bất định không chắc chắn.

Báo cáo của UNDP khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục-đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia, năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

UNDP cũng lưu ý, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất, làm người dân phải thay đổi chỗ ở và sinh kế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Khủng hoảng ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự không chắc chắn.

“Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục-đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia, năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi”, báo cáo của UNDP nhận định.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner trao đổi với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner trao đổi với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phát triển con người

Trước đó, ngày 8/9 tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức lễ công bố Báo cáo phát triển con người 2021 - 2022.

Trong trao đổi riêng với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tại buổi lễ, ông Achim Steiner đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam đã đạt được trong phát triển con người trong thời gian qua và những đóng góp của Việt Nam trong xử lý các thách thức toàn cầu đã được phản ánh trong báo cáo.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner phát biểu tại Lễ công bố toàn cầu nhấn mạnh, thế giới đang tranh giành để ứng phó với các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Để ứng phó với các cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và năng lượng, có thể có các giải pháp như trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, nhưng những giải pháp cứu trợ nhanh chóng này lại đang ảnh hưởng đến những thay đổi mang tính hệ thống lâu dài mà chúng ta cần thực hiện.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-tang-2-bac-xep-hang-toan-cau-ve-chi-so-phat-trien-con-nguoi-post11085.html