Việt Nam tìm điểm cân bằng phù hợp trong chính sách thuế của Tổng thống Trump

Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ làm việc với Chính phủ Mỹ với nhằm tìm kiếm giải pháp và chia sẻ thông tin, qua đó lựa chọn điểm cân bằng phù hợp trong chính sách thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Thông tin này được ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quí 1-2025, diễn ra chiều 3-4.

Ngành thủy sản có cơ hội nhưng cũng gặp thách thức gia tăng xuất khẩu trước chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Ngành thủy sản có cơ hội nhưng cũng gặp thách thức gia tăng xuất khẩu trước chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Trước đó, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày 9-4 tới đã khiến không ít chủ doanh nghiệp rơi vào trạng thái “choáng váng”.

“Không hiểu nổi chuyện này”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nói và cho rằng, mức thuế 46% là quá cao, vượt ngoài tầm dự đoán của doanh nghiệp.

Với kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ ở mức 100 triệu đô la Mỹ vào năm 2024, một con số khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 1,4 tỉ đô la của Intimex, ông Nam đánh giá chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump là không đáng ngại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu áp dụng mức thuế trên trong thời gian dài, chắc chắn các công ty sẽ khó gồng gánh.

Do đó, lãnh đạo Chính phủ cần làm việc trực tiếp với Tổng thống Mỹ để tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động thuế quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tài chính, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất. Tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.

Trước những yêu cầu từ cộng đồng doanh nghiệp, tại buổi họp báo thường kỳ quí 1-2025 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, mức thuế suất phía Mỹ công bố rạng sáng 3-4-2025, theo giờ Việt Nam, là mức tối đa dự kiến áp dụng. Mức thuế chi tiết với từng mặt hàng và lộ trình áp dụng hiện chưa có.

"Chúng ta đã rất chủ động rà soát các mức thuế nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Mỹ để tiến tới cân bằng thương mại. Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ sang làm việc với Chính phủ Mỹ. Chúng tôi tin rằng, khi cả hai bên cùng kiên trì tìm giải pháp và chia sẻ thông tin với nhau sẽ tìm ra điểm cân bằng phù hợp", ông Chi nói.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí, cho biết mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp dụng từ 9-4-2025 không xuất phát từ các yếu tố thuế thuần túy, nên các cơ quan chức năng đang tích cực tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Theo đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025, có quy định giảm thuế suất thuế nhập khẩu với 16 nhóm mặt hàng nhằm cân bằng thương mại với các đối tác chiến lược toàn diện nói chung và Mỹ nói riêng.

Ông cho biết, khi tham mưu sửa Nghị định 73, cơ quan này đã rà soát lại toàn bộ thuế với hàng nhập khẩu như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Đó là căn cứ để đề xuất mức thuế suất cân bằng giữa Việt Nam và các đối tác thương mại. Tuy nhiên, nếu chiếu vào con số mà phía Mỹ công bố sáng nay thì không thuần túy là yếu tố thuế. Do đó, phải tìm hiểu kỹ và nhanh căn cứ của phía Mỹ để có giải pháp phù hợp.

"Nếu chỉ thuần túy yếu tố về thuế thì không đến mức như vậy”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, chênh lệch bình quân giữa mức thuế suất nhập khẩu MFN giữa Việt Nam và Mỹ hiện không quá cao nên các giải pháp ứng phó phi thuế quan sẽ đóng vai trò quyết định trong vấn đề này.

Liên quan đến những nhóm hàng hóa dự kiến bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng 46%, ông cho rằng, những ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường lớn như linh kiện điện tử, dệt may, gia dày, gỗ, thủy sản… sẽ chịu áp lực lớn.

Về phía các hiệp hội ngành nghề, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng phải tìm hiểu kỹ, không thể vội vàng đưa ra các thông tin gây lo lắng. Mức thuế với từng mặt hàng và ảnh hưởng đều phải được nghiên cứu kỹ, rồi mới có đối sách phù hợp.

Cũng theo ông, Mỹ là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam nhiều năm trở lại đây, với kim ngạch xuất khẩu dao động trong khoảng 1,5-2,1 tỉ đô la/năm trong sáu năm qua.

Với thị trường này, dù doanh nghiệp nhập khẩu thủy hải sản phải đối mặt với hàng rào thuế quan và các biện pháp chống bán phá giá nhưng doanh số thường tăng trưởng. Cùng với đó, chất lượng thủy sản của Việt Nam ngày càng cải thiện cũng đã giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này cho nên chưa hẳn trong thời gian tới doanh nghiệp chỉ gặp thách thức.

“Các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới”, ông Dũng lưu ý.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/viet-nam-tim-diem-can-bang-phu-hop-trong-chinh-sach-thue-cua-tong-thong-trump/