Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để phát triển thẻ tín dụng nội địa
Với 900 hơn nghìn thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số lên tới 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57%
Ngày 21/5, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam -NHNN) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.
Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%).
Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
“Với 900 hơn nghìn thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số lên tới 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa" - ông Dũng nói.
Theo ông, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.
Theo TS. Đỗ Thị Hà Thương – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, thẻ tín dụng nội địa được coi là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện mà Chính phủ và NHNN theo đuổi nhằm giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc NAPAS, cho biết thẻ tín dụng nội địa có các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày...), không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia.
Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.
Giúp người dân tiếp cận vốn nhanh
"Thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến "tín dụng đen", với lãi suất cao" - ông Nguyễn Quang Minh nói.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc NAPAS cho biết số lượng thẻ tín dụng nội địa hiện nay còn quá thấp khi chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán hiện nay mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Doanh số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa.
Còn ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam chưa khả quan do vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, chỉ 15 tổ chức tín dụng, nên việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Thứ hai, khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế.
Thứ ba, do thói quen người tiêu dùng, họ có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa; triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng, tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen./.
Thời gian tới, bên cạnh những giải pháp hoàn thiện về pháp lý và hạ tầng công nghệ thúc đẩy thành toán không dùng tiền mặt và hoạt động thẻ, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, trong đó có các kỹ năng sử dụng thẻ ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả.