Vinaconex muốn chuyển nhượng 2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Cảng Vạn Ninh

Ngày 5/6, Vinaconex mua lại trước hạn 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCGH2124011 (trị giá 2.500 tỷ đồng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang muốn chuyển nhượng 2 triệu cổ phần sở hữu tại Cảng Vạn Ninh, Móng Cái.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố văn bản số 1833/2024/CV-PC về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Ngày 5/6/2024, Vinaconex đã tiến hành mua lại trước hạn 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCGH2124011 (trị giá 2.500 tỷ đồng), đưa giá trị còn lưu hành về 600 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 27/5, VCG đã mua lại trước hạn 300 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2124011. Được biết, lô trái phiếu VCGH2124011 phát hành ngày 25/6/2021, đáo hạn ngày 25/6/2024, khối lượng phát hành theo mệnh giá là 2.500 tỷ đồng.

Vinaconex mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Nguồn: HNX

Mục đích phát hành của lô trái phiếu này để bổ sung vốn cho hoạt động xây lắp của Vinaconex và tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư (Vinaconex Invest) và/hoặc Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng (Vinaconex CM).

Đặt mục tiêu doanh thu 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 950 tỷ đồng

Tại Đại hội cổ đông năm 2024 vừa diễn ra cuối tháng 4, Vinaconex đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận ở mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 15.000 tỷ đồng và 950 tỷ đồng, bằng 115% và 240% so với thực hiện năm 2023; doanh thu, lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ lần lượt đạt 10.500 tỷ đồng và 860 tỷ đồng, bằng 120% và 391% với thực hiện năm 2023. Tỷ lệ cổ tức dự kiến đạt 12%.

Nói về kế hoạch năm 2024, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết, đã đặt ra kế hoạch là Tổng công ty phải tìm mọi cách thực hiện. Chưa kể năm 2024, Tổng công ty còn có kế hoạch tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính để chuẩn bị khả năng đáp ứng các gói thầu lớn.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex tin tưởng, kế hoạch năm 2024 được xây dựng trên những cơ sở chắc chắn, 90% là sẽ đạt kế hoạch. Riêng quý I, Tổng công ty đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận.

Thời gian qua, Vinaconex là nhà thầu uy tín trong lĩnh vực xây lắp khi được đánh giá là đơn vị đứng thứ 2 trong TOP 10 nhà thầu Xây dựng Việt Nam năm 2023 (theo Vietnam Report bình chọn và công bố).

Vinaconex cũng được "chọn mặt gửi vàng" tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: trúng 2 gói thầu tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; một số gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Vũng Áng – Bùng, Vân Phong – Nha Trang, Biên Hòa – Vũng Tàu; Nghi Sơn - QL45); gói thầu 09 – TP2/XL thuộc dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô… và một số dự án lớn khác có vốn đầu tư FDI như dự án Khu công nghiệp sạch Hưng Yên, Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh), dự án JSH Hà Nam.

Dù được đánh giá là nhà thầu uy tín, nhưng tại gói thầu XL3, cao tốc QL45 - Nghi Sơn, liên danh nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung từng bị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhắc nhở, phê bình về tiến độ gói thầu. Sau khi được đôn đốc Liên danh đã đưa gói thầu về đích đúng hẹn.

Bên cạnh lĩnh vực xây lắp, trong lĩnh vực bất động sản Vinaconex còn sở hữu quỹ đất lên tới trên 2.000 ha. Hiện Vinaconex cung cấp đa dạng các sản phẩm bất động sản thuộc các lĩnh vực như nhà ở (chung cư, biệt thự, liền kề), khu đô thị du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp….

Trong đó có thế kể đến các dự án bất động sản thuộc phân khúc cao cấp như Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ, Dự án Cát Bà Amatina, Dự án khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái).

Trước tình hình thị trường không thuận lợi, nhất là đối với nhóm sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, Vinaconex đã chủ động điều chỉnh kế hoạch triển khai đối với một số dự án tại Quảng Nam, Phú Yên để đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, Vinaconex đã tích cực tìm kiếm, phát triển các dự án, trong đó nổi bật là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong lĩnh vực năng lượng, Vinaconex có Dự án Thủy điện Đăkba (Quảng Ngãi) được Công ty cổ phần Bách Thiên Lộc (do Tổng công ty sở hữu 99,9% vốn điều lệ), hiện đã đi vào vận hành thương mại ổn định, hiệu quả.

Trong lĩnh vực cảng biển, trung tuần tháng 5/2024 vừa qua, Vinaconex đã công bố Quyết định số 889/2024/QĐ-HĐQT của HĐQT phê duyệt chuyển nhượng vốn góp đầu tư tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh (Cảng Vạn Ninh).

Theo đó, Vinaconex muốn chuyển nhượng 2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Cảng Vạn Ninh cho các nhà đầu tư quan tâm. Giao dịch dự kiến hoàn tất trước ngày 20/6/2024; lý do thoái vốn không được tiết lộ.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vinaconex, tính đến ngày 31/3/2024, VCG sở hữu 40% cổ phần tại Cảng Vạn Ninh, tương ứng giá trị phần vốn góp là 198,3 tỷ đồng.

Được biết, dự án Cảng Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Ninh) nằm trong nhóm cảng biển số 1 thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt .

Dự án cảng Vạn Ninh có tổng vốn đầu tư 2.248 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 82,79 ha đất (gồm 46,55ha đất và 36,24ha mặt nước). Trong đó, hạng mục chính là bến cầu chính dài 500 m đáp ứng nhu cầu neo đậu đồng thời 2 tàu có trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu có trọng tải 10.000 DWT và các sà lan ở mặt sau. Ngoài ra dự án còn có các công trình đi kèm gồm cầu cảng, hệ thống kho bãi, nhà điều hành, đường giao thông dẫn vào cảng biển...

Theomarkettimes.vn Copy link

Link bài gốcLấy link

https://markettimes.vn/vinaconex-muon-chuyen-nhuong-2-trieu-co-phan-dang-so-huu-tai-cang-van-ninh-57856.html

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vinaconex-muon-chuyen-nhuong-2-trieu-co-phan-dang-so-huu-tai-cang-van-ninh-post175539.html