Vĩnh biệt người thầy thần tượng Nguyễn Hoành Khung

Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung là một người thầy tinh tế, tài hoa hiếm có. Ông là một trong số những bậc đại sư đã làm nên thời hoàng kim của khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tôi có may mắn được học PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung từ khi học cấp 3, khi nhà trường mời thầy về giảng cho đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường. Sau này, khi lên đại học, lại tiếp tục là học trò của thầy. Những giờ giảng của thầy lúc nào cũng sinh động, cuốn hút. Đặc biệt, ở thầy toát lên một cốt cách tinh tế, hào hoa hiếm có.

Ấn tượng nổi bật ở thầy là nước da trắng trẻo, lòng bàn tay đỏ hồng, môi cũng đỏ, nụ cười thật tươi, thật hiền. GS Nguyễn Đăng Mạnh đã đặt "biệt danh" cho thầy là “Công tử Bảo Khánh” – tên con phố thầy Khung ở trước đây. Còn PGS. TS Nguyễn Thị Bình đã gọi thầy là “hiện thân của nét thanh tao, lịch lãm của Hà Nội thời vang bóng”.

 PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung, người thầy tài hoa, mẫu mực trong ký ức bao thế hệ sinh viên Văn khoa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Phạm Sĩ Cường.

PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung, người thầy tài hoa, mẫu mực trong ký ức bao thế hệ sinh viên Văn khoa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Phạm Sĩ Cường.

“Có những phẩm chất trời chỉ cho riêng ít người”

PGS. TS Nguyễn Thị Bình, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, không ai không bị mê hoặc bởi các giờ giảng của PGS Nguyễn Hoành Khung. Thầy chậm rãi, từ tốn, nhỏ nhẹ làm sống lại trước học trò bao thăng trầm thời cuộc, bao vẻ đẹp của Thơ mới, của văn xuôi Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân...

 PGS. TS Nguyễn Thị Bình đến thăm PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung. Ảnh: Hạnh Mai.

PGS. TS Nguyễn Thị Bình đến thăm PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung. Ảnh: Hạnh Mai.

Thầy cũng là chuyên gia về Tự lực văn đoàn. Có người viết hay, nói dở. Có người viết dở nói hay. Thầy Khung nói hay như viết. Những trang sách của thầy thật hấp dẫn, mới mẻ, nhiều phát hiện sắc sảo, nhiều tính phản biện, lối diễn đạt tinh tế, tài hoa, không lẫn với ai.

Học trò phục lăn cách thầy dẫn dắt vấn đề mạch lạc mà đầy bất ngờ. Những liên tưởng của thầy cứ nhảy thoăn thoắt từ đông sang tây, từ cổ đến kim, từ văn ra đời... Cứ buổi nào học thầy về là kí túc xá lại râm ran toàn những lời ngưỡng mộ. Thầy là nhà giáo có lượng "fan" đông đảo nhất.

“Tôi đã chứng kiến bạn bè tôi ở kí túc xá, vừa đọc thầy vừa chốc chốc rền rĩ xuýt xoa, tay vớ lấy cuốn sổ, miệt mài chép lại những đoạn văn tâm đắc”, PGS. TS Nguyễn Thị Bình kể.

Trong con mắt các học trò, thầy Nguyễn Hoành Khung sinh ra để dành cho văn chương. Thầy làm đẹp, làm sang rất nhiều cho văn chương. Thầy còn là cũng hiện thân của nét thanh tao, lịch lãm của Hà Nội thời vang bóng...

Sau này, được trở thành đồng nghiệp của người thầy yêu kính, ngưỡng mộ, với PGS. TS Nguyễn Thị Bình, đó thực sự là một niềm hạnh phúc.

Thầy hiền, luôn nhỏ nhẹ, ân cần nhưng khả năng hài hước là vô đối. Thầy luôn cởi mở, thân thiện, vô cùng dễ gần. Nhu cầu chia sẻ thông tin ở thầy rất lớn, theo ngôn ngữ bây giờ, chắc phải gọi thầy là “người truyền cảm hứng” vĩ đại mới đúng.

Bản năng tinh tế hiếm có, lại thông kim bác cổ, thầy trò chuyện mặn mà được với mọi đối tượng, chuyện không dứt ra nổi. Thầy mà nhại giọng nói, động tác của ai thì diễn viên chuyên nghiệp cũng chào thua. Thầy hay ngắt lời một cách rất hóm: “Xin phép được nghi ngờ“, “bạn không định ám chỉ tôi đấy chứ?”.

Những đồng nghiệp hậu sinh như PGS. TS Bình nhận được từ sự uyên bác của thầy những tri thức quý giá, cũng cố học thầy lối tư duy khúc chiết và sự nghiêm cẩn, mực thước trong câu chữ.

Những buổi sinh hoạt học thuật hay bảo vệ luận văn, luận án mà có thầy là cầm chắc không tẻ nhạt. Thầy khen hay chê đều xác đáng, cặn kẽ, ráo riết, thấu lý đạt tình. Hơn thế, cách nói của thầy bao giờ cũng hóm hỉnh, thú vị.

GS Nguyễn Đăng Mạnh rất coi trọng ý kiến thầy Khung. GS Mạnh bảo: “Ông Khung tinh lắm. Ông ấy thẩm định là mình tin tưởng”. Hai thầy thân nhau nhưng là hai phong cách. Thầy Mạnh gai góc, dân dã, đôi khi cực đoan, quyết liệt. Thầy Khung thanh thoát, nhẹ nhàng, chừng mực.

Bất cứ khi nào học trò cần tới thầy, thầy đều tận tình chỉ bảo. Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh tuy không làm luận văn, luận án với thầy cũng khoe đã đến thầy “ăn mày” được bị nặng chữ nghĩa.

“Nhưng sự nhạy cảm với văn chương, tâm hồn tinh tế tài hoa, khiếu hài hước của thầy thì có lẽ chưa ai học được. Có những phẩm chất trời chỉ cho riêng một ít người”, TS Bình chia sẻ.

Cả cuộc đời, PGS Nguyễn Hoành Khung sống rất thanh bạch, chẳng màng danh vọng, xa lạ với mọi sự đố kị, bon chen.

“Thầy là một trong số những bậc đại sư đã làm nên thời hoàng kim của khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, đã cho chúng tôi niềm hãnh diện vì được là học trò, là đồng nghiệp của thầy.”, PGS. TS Nguyễn Thị Bình bày tỏ.

Người thầy chỉn chu, mực thước, ân tình

PGS Đinh Trí Dũng (Trường ĐH Vinh) chia sẻ, trong những năm may mắn được thầy Nguyễn Hoành Khung hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ, ông đã học được ở người thầy lớn của mình rất nhiều điều.

PGS. NGND Nguyễn Hoành Khung và PGS.TS Đinh Trí Dũng. Ảnh: NVCC.

PGS. NGND Nguyễn Hoành Khung và PGS.TS Đinh Trí Dũng. Ảnh: NVCC.

Thầy Khung luôn cẩn trọng, chỉn chu, có thái độ khách quan trong nghiên cứu khoa học. Thầy đã lên tiếng khá sớm để “minh oan” cho nhà văn Vũ Trọng Phụng, bảo vệ và đề cao thơ lãng mạn, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn… Chuyên đề thầy lên lớp mà sinh viên, học viên rất mê là “Nhìn lại vụ án Vũ Trọng Phụng và một số bài học đặt ra trong nghiên cứu khoa học”.

Nhưng mặt khác, thầy cũng không đồng tình với thái độ cực đoan, nói lấy được của một số cây bút đang say sưa “phản tỉnh” lúc bấy giờ. Khi PGS Dũng làm luận án, thầy luôn căn dặn: “Đừng cực đoan, cực đoan quá thì không gặp chân lý. Vũ Trọng Phụng rất tài năng, có nhiều tác phẩm là đỉnh cao của văn học hiện thực phê phán, nhưng Vũ Trọng Phụng cũng có nhiều điểm hạn chế, không thể nói khác được”.

PGS Dũng rất thích những bài viết, những trang giáo trình của thầy, một lối văn mực thước, khoa học, sâu sắc trong từng câu, chữ.

“Khi tôi hoàn thành bản thảo luận án đưa đến thầy, thầy đọc rất cẩn thận, dùng bút ghi chi tiết các lỗi bên cạnh, kể cả lỗi diễn đạt. Tôi vẫn còn nhớ nét bút và những lời phê của thầy: “Đoạn này ý gì”?, “Sao hai đoạn văn này cọc cạch thế?”, “Kết luận thế này không ổn”. Sau này, mỗi khi dễ dãi viết nhanh một bài báo để kịp đăng, tôi lại giật mình nghĩ đến cuốn luận án và những lời phê của thầy”, PGS Dũng chia sẻ.

PGS Dũng kể, nhiều năm sau, ông vẫn nhớ như in căn phòng chật chội của gia đình thầy Nguyễn Hoành Khung. Góc này bày một giá sách, cạnh lối ra vào đặt một bộ bàn ghế nhỏ. Giữa nhà là một chiếc phản vừa dùng làm chỗ ăn cơm, vừa là giường nằm, cũng là chỗ bày biện sách vở khi thầy làm việc. Nhiều buổi, khi trò đến, cô Thu Hương - vợ thầy - phải lui xuống bếp để nhường chỗ cho thầy trò.

Vậy nhưng, giữa những ngày mệt mỏi, khó khăn trăm bề khi ở đất Hà Thành, người học trò xứ Nghệ tìm đến nhà thầy luôn nhận được sự động viên, chia sẻ. Vượt qua một lối nhỏ bề bộn hàng hóa của người buôn bán ngay sát chân cầu thang, căn phòng nhỏ của thầy cô hiện ra như một ốc đảo yên bình.

Thầy nở nụ cười bình thản, hóm hỉnh động viên trò: “Gió Lào xứ Nghệ mà còn chịu nổi, khó khăn đất Hà Thành này ăn thua gì”. Có nhiều bữa xế trưa, cô thầy chân tình mời trò ở lại ăn cơm, có gì ăn nấy.

“Có thể nói, tôi đã hoàn thành chặng đường nghiên cứu sinh kéo dài 5 năm trời ở đất Hà Thành chính là nhờ sự đùm bọc, chia sẻ, động viên của thầy cô”, PGS Đinh Trí Dũng xúc động.

Một điều mà PGS Đinh Trí Dũng cũng đặc biệt ấn tượng ở người thầy của mình, đó là thầy Khung không quan tâm nhiều đến chức tước, các loại huân chương, giải thưởng. Khi thầy được phong nhà giáo ưu tú, rồi nhà giáo nhân dân, trò gọi điện chúc mừng thầy, thầy bảo chẳng có gì mà phải khoe, hay liên hoan này nọ. Ưu tú hay nhân dân, với thầy, quan trọng nhất là được học trò thừa nhận.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/vinh-biet-nguoi-thay-than-tuong-nguyen-hoanh-khung-1893921.html