Vĩnh Linh phấn đấu nâng tỉ lệ học sinh học 2 buổi trong ngày
Để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra là 100% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần). Tại Quảng Trị, tỉ lệ này đạt 84%. Tuy nhiên, huyện Vĩnh Linh tỉ lệ này rất thấp, chỉ gần 50%, đa số học sinh chỉ được học 6 buổi /tuần.
Tại Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trần Minh Huy cho biết, tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên và người lao động của trường có 57 người, trong đó có 21 giáo viên tiểu học với 18 lớp, đạt tỉ lệ giáo viên/lớp là 1,17. Hiện nhà trường thiếu 6 biên chế giáo viên để đạt tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Vì vậy, học sinh tiểu học nhà trường hiện đang học 7 buổi/ tuần, chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn ít nhất 9 buổi/ tuần theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đề ra. Trước khó khăn này, nhà trường chủ động dạy đúng, dạy đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc. Đối với các môn học tự chọn, hoạt động củng cố, hoạt động giáo dục khác nhà trường lựa chọn hình thức tổ chức dạy học và phân bổ thời lượng hợp lý. Nhờ có biện pháp khắc phục phù hợp, năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, trường có chất lượng dạy học đảm bảo.
Cũng trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Thạch, xã Kim Thạch Trần Thị Thu Hà cho biết, năm học mới này trường có 19 lớp học với 25 giáo viên đứng lớp, tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1,31. Để đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định, nhà trường thiếu 2 giáo viên văn hóa tiểu học và 1 giáo viên Tin học. “Chúng tôi mong muốn được bố trí đủ biên chế giáo viên để tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới”, cô Thu Hà cho biết.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Vĩnh Linh Lê Thanh Hải, năm học 2020 - 2021, tổng biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên của phòng được giao 1.414 người, trong đó cấp tiểu học 529 người. Tổng số học sinh tiểu học của huyện đến 7.961 học sinh được biên chế thành 311 lớp, bình quân mỗi lớp 26 học sinh, tỉ lệ giáo viên/lớp chỉ đạt 1,33.
Theo Chương trình GDPT 2018, nếu ưu tiên đủ tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp cho khối 1 thì các khối còn lại chỉ đảm bảo 1,28 giáo viên/lớp. Do đó, dẫn đến tỉ lệ học 2 buổi/ngày toàn huyện khá thấp. Đặc biệt, năm học 2021 - 2022 này, ngoài đảm bảo tỉ lệ giáo viên cho khối lớp 1, phòng còn phải ưu tiên đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp cho khối lớp 2 nên thiếu giáo viên đứng lớp. Nguyên nhân thiếu giáo viên đứng lớp trước hết do số lượng học sinh tiểu học của toàn huyện tăng liên tục trong thời gian qua, trong khi đó việc giao biên chế giáo viên không thay đổi, thậm chí còn giảm theo yêu cầu khoán về tinh giản biên chế. Còn cơ sở vật chất trường học của huyện khá đảm bảo, đáp ứng tỉ lệ 1 lớp/phòng học.
Khắc phục những khó khăn trước mắt để cố gắng thực hiện tốt nhất Chương trình GDPT 2018, ông Lê Thanh Hải chia sẻ, Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh luôn bám sát hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT để hướng dẫn các nhà trường thực hiện, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc; cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố, hoạt động giáo dục khác giúp học sinh hoàn thành các nội dung học tập theo mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, phòng phải thực hiện tăng quy mô số lượng học sinh/lớp tại một số điểm để giảm đầu lớp (từ 35 học sinh/lớp tối đa ở 1 lớp có thể lên đến 42 học sinh/lớp) nhằm đảm bảo tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tăng lên.
Để tăng tỉ lệ giáo viên đứng lớp, phòng tích cực vận động thuyết phục cán bộ quản lý, nhân viên và giáo viên một số bộ môn dư dôi sau sáp nhập trường cùng chia sẻ khó khăn với ngành. Đến nay, đã có 4 hiệu trưởng đồng thuận làm phó hiệu trưởng, 5 phó hiệu trưởng đồng thuận làm giáo viên; có 4 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật chuyển sang dạy văn hóa tiểu học; 5 nhân viên kế toán chuyển làm công tác văn phòng, hơn 15 giáo viên dạy liên trường. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải cho biết, những giải pháp trên chỉ là tạm thời, không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng nâng cao hơn chất lượng giáo dục. Vì vậy, đề nghị các cấp, ngành liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bổ sung kịp thời biên chế sự nghiệp giáo dục cho huyện.
Cùng với đó, khi điều kiện giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa dần thuận lợi thì công tác vận động thuyết phục dồn các điểm trường, hạn chế thấp nhất các điểm trường nhỏ lẻ, quy mô lớp học nhỏ là việc làm hết sức cần thiết của mỗi địa phương. Mục tiêu của phòng là giảm số lượng học sinh trên mỗi lớp, đáp ứng đổi mới cách dạy, cách học để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, nếu học sinh các lớp quá đông thì rất khó đạt mục tiêu giáo dục đề ra.
Học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình GDPT 2018; là xu thế của những nước phát triển được thực tiễn chứng minh mang lại kết quả cao về chất lượng giáo dục ở những nơi tiếp cận sớm. Vì vậy, việc nâng cao tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung nên rất cần được cả xã hội quan tâm, chia sẻ.