VNPAY 'đổi chủ' trong im lặng, quyền kiểm soát đang dịch chuyển?

Một trong những đế chế thanh toán điện tử lớn nhất Việt Nam bất ngờ rơi hoàn toàn vào tay VNLIFE, pháp nhân kín tiếng có tới gần 60% vốn ngoại. Với thương vụ sở hữu 99,99% cổ phần, VNLIFE đang gián tiếp đặt quyền kiểm soát toàn diện VNPAY vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Pháp nhân Việt, nhưng ai thực sự đang cầm lái?

VNLIFE đã nắm giữ tới 99,99% cổ phần của VNPAY.

VNLIFE đã nắm giữ tới 99,99% cổ phần của VNPAY.

Một trong những cái tên đình đám nhất trong lĩnh vực trung gian thanh toán - Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) - đã chính thức đổi chủ. Theo thông tin cập nhật cuối tháng 3/2025, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt (VNLIFE) đã nắm giữ tới 99,99% cổ phần của VNPAY, tương đương hơn 3.568 tỷ đồng vốn điều lệ. Một thương vụ có thể xem là bước chuyển giao kiểm soát mang tính hệ thống - nhưng lại được thực hiện một cách âm thầm và kín đáo.

VNLIFE: "Pháp nhân vỏ bọc" hay trung tâm quyền lực thực sự?

Khác với sự nổi tiếng công khai của VNPAY - nền tảng thanh toán điện tử có mặt tại hơn 40 ngân hàng, hàng trăm nghìn doanh nghiệp, phục vụ hàng triệu người dùng - VNLIFE lại là một thực thể pháp lý kín tiếng. Tuy nhiên, chính sự kín tiếng đó lại tạo nên câu hỏi: Ai thực sự đang đứng sau đế chế fintech này?

Cơ cấu cổ đông ban đầu của VNLIFE có phần quen thuộc với các gương mặt lãnh đạo tại VNPAY: ông Trần Trí Mạnh, ông Trần Văn Kỳ, ông Lê Tánh và ông Mai Thanh Bình (người mang quốc tịch Singapore, hiện là Tổng giám đốc VNLIFE). Trụ sở hai công ty cùng đặt tại một tòa nhà trên đường Láng Hạ, Hà Nội, chỉ khác tầng - càng cho thấy sự gắn kết về mặt vận hành và sở hữu.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, VNLIFE đã ghi dấu những thay đổi lớn về cấu trúc cổ đông. Sau các vòng gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư quốc tế như SoftBank Vision Fund 1, GIC, PayPal Ventures, Dragoneer Investment Group và General Atlantic, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại VNLIFE đã tăng lên hơn 56% vào đầu năm 2025. Hai cổ đông ngoại nổi bật nhất là SVF Pioneer Subco Pte. Ltd (thuộc SoftBank - 19,93%) và Ardolis Investment (thuộc GIC - 13,45%).

Câu hỏi đặt ra là liệu VNLIFE với tư cách là công ty holding có đang thực sự là pháp nhân chuyển giao quyền kiểm soát VNPAY cho các nhà đầu tư nước ngoài? Và mức sở hữu 99,99% tại VNPAY có còn phản ánh một doanh nghiệp "thuần Việt"?

Ra đời từ năm 2007, VNPAY là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam. Với sản phẩm chủ lực là cổng thanh toán VNPAY-QR, công ty đã xây dựng hệ sinh thái kết nối hơn 40 ngân hàng, 5 nhà mạng lớn và 350.000 doanh nghiệp đối tác.

Pháp nhân Việt, vốn ngoại chi phối?

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu của VNPAY đang có dấu hiệu chững lại. Theo dữ liệu từ Vietdata, dù doanh thu năm 2023 vẫn đạt mức 30.000 tỷ đồng, nhưng mức tăng chỉ còn khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó (trên 20%).

Sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông - đặc biệt là sự xuất hiện hoàn toàn của VNLIFE với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối - khiến không ít người đặt nghi vấn về định hướng chiến lược tương lai của VNPAY. Với nền tảng phát triển mạnh, liệu công ty có tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khi các cổ đông lớn đang dịch chuyển sang khối ngoại?

Cơ cấu cổ đông ngoại tại VNLIFE

Cơ cấu cổ đông ngoại tại VNLIFE

Về pháp lý, cả VNLIFE và VNPAY đều là công ty cổ phần Việt Nam với vốn góp bằng tiền đồng. Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu gần 60% từ các nhà đầu tư nước ngoài tại VNLIFE, và VNLIFE lại nắm trọn gần 100% VNPAY, cơ cấu sở hữu thực tế đang cho thấy sự lệch pha rõ rệt giữa hình thức và thực chất.

Các khoản đầu tư lớn từ SoftBank, GIC, General Atlantic, PayPal... đã giúp VNLIFE vươn lên trở thành một trong những công ty công nghệ Việt hiếm hoi có định giá vượt 1 tỷ USD. Nhưng việc kiểm soát gián tiếp VNPAY qua VNLIFE có thể đặt ra vấn đề về quyền lợi dài hạn của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt khi các thương vụ thoái vốn hoặc IPO diễn ra trong tương lai.

“Tỷ lệ sở hữu gián tiếp của khối ngoại tại một đơn vị trung gian thanh toán lớn như VNPAY là điều cần được giám sát chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra không chỉ là về vốn, mà còn là quyền điều hành và bảo mật dữ liệu người dùng”, chuyên gia chính sách tài chính số Phạm Quang Vinh lưu ý.

Với việc VNLIFE nắm giữ 99,99% vốn của VNPAY, toàn bộ chiến lược, nhân sự cấp cao và quyền điều phối dòng tiền của nền tảng trung gian thanh toán hàng đầu Việt Nam đang nằm trong tay một pháp nhân có cơ cấu cổ đông ngoại chiếm đa số. Đây không chỉ là sự kiện đáng chú ý đối với lĩnh vực fintech, mà còn là lời nhắc cho các nhà làm chính sách về việc giám sát sát sao sự dịch chuyển quyền sở hữu trong các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt liên quan đến dữ liệu và dòng tiền người dùng.

Khi một doanh nghiệp mang danh nghĩa Việt nhưng vận hành theo lợi ích và quyết sách của các nhóm cổ đông ngoại, câu hỏi về “quốc tịch thực sự” trong kinh doanh công nghệ tài chính sẽ tiếp tục là chủ đề được giới chuyên môn, truyền thông và nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ.

Mỹ Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/vnpay-doi-chu-trong-im-lang-quyen-kiem-soat-dang-dich-chuyen-1106685.html