Bộ trưởng Bộ Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng nếu cơ quan soạn thảo muốn điều tiết hành vi của người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường thì nên tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng chứ không nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, không thể không đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Quốc hội sáng 9/5 (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Quốc hội sáng 9/5 (Ảnh: QH)
Nên quy về thuế bảo vệ môi trường
Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm ngoái.
Tại Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến đã đề xuất đưa xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB như Luật hiện hành; tuy nhiên, trong bản dự thảo trình Quốc hội lần này, Chính phủ vẫn giữ nguyên mặt hàng xăng trong nhóm đối tượng chịu loại thuế này.
Trước phiên thảo luận hội trường, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng xăng sang diện không chịu thuế; nếu tiếp tục áp thuế thì cần tính toán mức thuế suất phù hợp hơn.
Ý kiến khác đề nghị vẫn đánh thuế đối với xăng. Một số ý kiến đề nghị loại trừ xăng sinh học, nghiên cứu giảm thuế đối với xăng E5 và E10 để khuyến khích sử dụng, tăng thuế đối với xăng khoáng.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị bỏ xăng ra khỏi danh mục các loại hàng hóa chịu thuế TTĐB với lý do, bản chất của thuế TTĐB là đánh vào mặt hàng xa xỉ nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng, trong khi xăng là mặt hàng thiết yếu cho đời sống người dân, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, hiện đã chịu thuế bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang
"Việc áp thuế TTĐB với xăng vì cho rằng sẽ bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục. Nếu thấy cần tăng thuế để bảo vệ môi trường thì có thể tăng giá trị tuyệt đối thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, thay vì đưa hàng hóa này vào diện chịu thuế TTĐB, như vậy sẽ đúng với bản chất hơn", ông Giang nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận xét, xăng là mặt hàng duy nhất phải chịu cả 2 loại thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, mặt hàng tương tự như xăng là dầu cũng chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường, không chịu thuế TTĐB.
Đại biểu phân tích, hai loại thuế này tương đồng về bản chất là đều có mục tiêu điều chỉnh hành vi sử dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, khác nhau về mục đích, thuế bảo vệ môi trường đánh vào hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm hoặc tác động xấu đến môi trường, trong khi thuế TTĐB có nhiều mục đích khác nhau, trong đó có hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng vì lý do đạo đức xã hội, nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, tai nạn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng
"Nếu mục tiêu thu thuế nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường thì cần quy về thuế bảo vệ môi trường", ông Đồng đề nghị.
"Tôi tìm lại các tài liệu thuyết minh từ năm 2008 khi chúng ta xây dựng Luật TTĐB tìm hiểu vì sao lại đưa xăng vào mặt hàng chịu thuế TTĐB nhưng thời điểm đó chưa có Luật Thuế bảo vệ môi trường, lý do là do xăng tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Như vậy cùng một lý do, xăng lại chịu cả 2 loại thuế khác nhau. Tôi cho rằng, chuyển xăng sang mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường hợp lý hơn, vì thuế này thu trên giá trị tuyệt đối, đúng với bản chất gây ô nhiễm của xăng, sử dụng bao nhiêu, gây ô nhiễm bấy nhiêu, chứ không phải ô nhiễm nhiều hơn khi giá xăng tăng và ít hơn khi giá xăng giảm", ông Đồng nói thêm.
Cần đánh giá tổng thể các loại thuế đối với xăng
Cũng góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc đưa xăng vào đối tượng chịu thuế TTĐB có một số tác động tích cực, như khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, điều tiết tiêu dùng xăng để giảm tác động tới môi trường, đồng thời góp phần tăng nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng vì xăng là đầu vào thiết yếu cho sản xuất, vận tải, sinh hoạt nên việc đánh thuế có thể đẩy chi phí lên cao, ảnh hưởng tới người thu nhập thấp và gây áp lực đến lạm phát. Đặc biệt, xăng hiện đã chịu nhiều loại thuế, nếu không đánh giá tổng thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn chính sách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trường Giang là bỏ xăng ra khỏi nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB.
Trong trường hợp vẫn đưa xăng vào đối tượng chịu thuế, đại biểu cho rằng cần có lộ trình hợp lý, tránh tăng thuế đột ngột và cần điều chỉnh tương ứng các loại thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng để tránh gánh nặng kép cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Áp thuế TTĐB với xăng để thực hiện các cam kết về môi trường
Cuối phiên thảo luận, giải trình làm rõ thêm một số nội dung ĐBQH quan tâm về đánh thuế TTĐB đối mặt hàng xăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc áp thuế đã thực hiện từ năm 1998.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết tại COP26 về giảm khí phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050. Bộ trưởng cho rằng, đây là một cam kết rất khó khăn đối với Việt Nam do điều kiện kinh tế khó khăn, dù chúng ta đã triển khai các chương trình hành động, nhưng phải nỗ lực cố gắng nhiều.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện cam kết về môi trường, Việt Nam không thể không đánh thuế TTĐB với mặt hàng xăng do ô nhiễm môi trường đang tăng lên so với trước đây, nếu không đánh thuế xăng thì rất khó để thay đổi hành vi.
“Chúng ta mong muốn sử dụng xe điện, dùng hệ thống metro… thì cần nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề liên quan đến xăng”, Bộ trưởng nói.
Giải thích thêm, Bộ trưởng cho hay, hiện nay hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều đánh thuế và phí, với các tên gọi khác nhau như phí CO2, thuế CO2…
Thuế và phí có các mục tiêu khác nhau, nhưng bổ trợ cho nhau. Thuế TTĐB tập trung điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách còn thuế bảo vệ môi trường là để tạo ra quỹ cho các dự án về môi trường.
“Việc áp cả 2 loại thuế là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 và mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.