Vụ 600 HS trường công học thêm ở một trung tâm: Đều là học sinh THCS Láng Thượng

Hơn 600 học sinh học thêm ở Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Việt Nga là học sinh của Trường Trung học cơ sở Láng Thượng.

Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa, đang dạy thêm cho hàng trăm học sinh. Đáng chú ý, hầu như tất cả các học sinh này đều đến từ một trường trung học cơ sở công lập gần đó.

Dư luận băn khoăn việc hàng trăm học sinh của một trường công học thêm ở một trung tâm

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã ban hành Công văn số 1284/SGDĐT-GDTrH yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa phối hợp với Phòng PA03-Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thông tin.

Hồi 9 giờ ngày 23/4/2025, Phòng Giáo dục quận Đống Đa cùng đại diện Phòng PA03-CA Thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo phường Láng Thượng, đại diện Công an Phường Láng Thượng tiến hành kiểm tra hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga cơ sở 2 (Địa chỉ: Số 33 ngõ 82 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa).

Qua kiểm tra, đoàn công tác xác định có 29 giáo viên đang dạy, khoảng 600 học sinh trung học cơ sở đang học ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga nằm trên phố Chùa Láng.

Trung tâm này cũng bị phát hiện có một số vi phạm như chưa niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, danh sách người dạy thêm, mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm học thêm theo Mẫu số 02- Điểm b, khoản 1 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024.

Trong hồ sơ giáo viên giảng dạy tại trung tâm, thiếu 04 hợp đồng lao động; hợp đồng lao động của Trung tâm ký với các giáo viên còn chưa thể hiện đầy đủ các nội dung như vị trí việc làm, thời gian làm việc,…, thiếu giấy khám sức khỏe định kỳ (Luật lao động 2019).

Chưa xuất trình được hồ sơ sổ sách liên quan đến việc thu phí hàng tháng tại trung tâm.

Công tác phòng cháy chữa cháy còn tồn tại, chưa xuất trình được hồ sơ phòng cháy chữa cháy, đã trang bị hệ thống bình bọt, tiêu lệnh và nội quy chỉ có ở tầng 1.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga về những tồn tại, vi phạm theo quy định và tạm dừng hoạt động của trung tâm này từ 12 giờ ngày 23/4; đồng thời yêu cầu trung tâm thông báo tới phụ huynh học sinh và thực hiện các yêu cầu nghĩa vụ tài chính đối với phụ huynh học sinh khi dừng học, bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Đoàn kiểm tra đề nghị phường Láng Thượng giám sát việc thực hiện yêu cầu dừng hoạt động của trung tâm; đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa tiếp tục làm việc với Trường Trung học cơ sở Láng Thượng và các trường trong quận nhằm tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

Vụ việc trên gây xôn xao, khiến dư luận đặt ra một số băn khoăn về việc tại sao nói học thêm là tự nguyện nhưng lại có rất đông đảo học sinh của một trường công lập đến cùng một trung tâm để học thêm. Bên cạnh đó là băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng trong quá trình dạy và học. Đồng thời, việc giám sát, quản lý dạy thêm học thêm liệu đã đạt hiệu quả hay chưa?

29/45 giáo viên Trung học cơ sở Láng Thượng dạy thêm ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga

Ngày 26/4, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi một số nội dung câu hỏi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo Đống Đa để có thông tin cụ thể hơn.

Ngày 9/5, một cán bộ Phòng đã có cuộc trao đổi với phóng viên. Tại cuộc trao đổi, vị này cho biết, hơn 600 học sinh học thêm tại Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Việt Nga là học sinh của Trường Trung học cơ sở Láng Thượng.

 Trường Trung học cơ sở Láng Thượng. Ảnh: Nhi Anh.

Trường Trung học cơ sở Láng Thượng. Ảnh: Nhi Anh.

Vị cán bộ cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, sau đó đã có báo cáo gửi Sở. Qua kiểm tra cho thấy, trung tâm này chưa đáp ứng một số điều kiện nên đã cho tạm dừng hoạt động. Về phía Trường Trung học cơ sở Láng Thượng, Phòng cũng đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu cũng như giáo viên nhà trường.

Theo vị cán bộ này, sự việc xảy ra tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga "là hồi chuông cảnh tỉnh, là bài học kinh nghiệm" cho tất cả các đơn vị. Phòng cũng đã tiến hành quán triệt sâu sắc tới lãnh đạo các trường, thực hiện đúng theo quy định của Thông tư 29, trong mọi trường hợp phải bảo vệ quyền lợi của các em học sinh.

Ngoài ra, theo thông tin vị đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cung cấp cho phóng viên, Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Láng Thượng đã tổ chức cuộc họp toàn thể cán bộ, giáo viên để quán triệt Thông tư số 29, đồng thời yêu cầu từng cá nhân giáo viên thực hiện rà soát, báo cáo về việc tham gia hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.

Kết quả rà soát cho thấy, tổng số giáo viên toàn trường là 45 thầy cô, trong đó có 29 giáo viên tham gia dạy thêm tại Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Việt Nga.

Trường Trung học cơ sở Láng Thượng cũng tiến hành rà soát, thống kê học sinh, thời lượng học, học phí tại Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Việt Nga. Qua tổng hợp từ giáo viên chủ nhiệm và phản hồi của phụ huynh, trường này đã thống kê, số lượng học sinh tham gia học tại trung tâm này phân bố theo môn, cụ thể: Môn Toán có 604 học sinh; môn Ngữ văn có 610 học sinh; môn Tiếng Anh có 586 học sinh; môn Khoa học tự nhiên có 342 học sinh.

Về thời lượng học, môn Toán và môn Ngữ văn học sinh học 4 tiết/tuần; môn Ngoại ngữ và Khoa học tự nhiên học 2 tiết/tuần. Mức học phí trung tâm này thu là 80.000 đồng/học sinh/2 tiết/môn học.

Cũng theo thông tin từ vị cán bộ này, không có học sinh nào bị trùng thời gian học ngoài trung tâm với thời gian học trên trường. Ngoài ra, trong số học sinh theo học tại trung tâm, không có em nào thuộc các lớp mà giáo viên của Trường Trung học cơ sở Láng Thượng đang giảng dạy chính khóa.

Phóng viên băn khoăn, sau sự việc nêu trên, Phòng có kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các trung tâm dạy thêm tương tự như Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Việt Nga không?

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Đống Đa cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được đơn đơn vị chú trọng và tiến hành thường xuyên. Hiện, trên địa bàn quận này có 186 trung tâm. Phòng cũng có những cuộc thanh tra đột xuất, phối hợp cùng đơn vị liên quan để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động này.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, một số chuyên gia, đại biểu quốc hội cho rằng đây là "hiện tượng lạ".

Bởi: "Vấn đề này không chỉ đáng chú ý vì quy mô lớn mà còn vì tính bất thường của nó. Thứ nhất, tại sao lại có tình trạng hầu hết các em học thêm tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga hầu hết đều là học sinh của một trường công lập? Thứ hai, liệu "có sự móc nối" nào để dẫn đến tình trạng nêu trên?".

Bên cạnh đó là băn khoăn: Nếu một trường công lập có tới hơn 600 học sinh phải tham gia học thêm, liệu chương trình giảng dạy tại trường có thực sự hiệu quả?

Nhi Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vu-600-hs-truong-cong-hoc-them-o-mot-trung-tam-deu-la-hoc-sinh-thcs-lang-thuong-post251236.gd