Vụ Chủ nhiệm UBKT dùng bằng giả ở Bắc Ninh: Đại biểu Quốc hội nói gì?
Khi bằng giả trở thành 'món hàng' có thể mua bán dễ dàng thì sẽ còn những người thiếu năng lực, trình độ vẫn 'trèo cao' trong cơ quan Nhà nước.
Trước thông tin, ông Nguyễn Công Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh mới đây được xác định sử dụng bằng giả thực sự đã khiến nhiều người choáng váng và hoài nghi ở trình độ, năng lực và phẩm chất của một bộ phận cán bộ lãnh đạo hiện nay.
Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Thắng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã sử dụng giấy công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch. Ông Thắng đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy công nhận không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Vi phạm của ông Thắng đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông.
Mặc dù, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Thắng do có vi phạm, khuyết điểm, song điều khiến dư luận trăn trở là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh - cơ quan thường vụ của Tỉnh ủy, rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng tiêu cực, chịu trách nhiệm xử lý kiểm tra, giám sát dấu hiệu sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhưng lại để xảy ra chuyện đáng buồn khi "lọt" đảng viên sử dụng bằng giả nhằm... thăng chức.
Câu chuyện đặt ra ở đây, như đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thắc mắc: "Tại sao suốt thời gian qua không phát hiện được trường hợp dùng bằng giả, để leo lên đến chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của tỉnh ủy mới bị phát hiện?" và theo đại biểu Quốc hội Đồng Tháp: "Cán bộ phải là người gương mẫu, "đầu tàu" nhưng lại giấu nhẹm sai phạm. Cán bộ không tốt, giấu giếm để lên chức, quyền thì đây là cán bộ vụ lợi".
Cũng bày tỏ quan điểm, góc nhìn về vấn đề này, phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc để cán bộ sử dụng bằng không hợp pháp để bổ nhiệm, đề bạt là việc làm sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước.
“Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh là một cơ quan của Tỉnh ủy và là cơ quan rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng tiêu cực, nhưng cán bộ đứng đầu cơ quan này lại sử dụng bằng giả thì làm sao kiểm tra, giám sát được ai?” - bà An nêu.
Không thể phủ nhận, việc sử dụng bằng cấp giả thời gian qua vẫn còn tồn tại. Việc phát hiện sử dụng bằng cấp giả cũng không ít. Trước đó, dư luận từng rúng động vụ lùm xùm về đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả tại Trường Đại học Đông Đô. Hay như 13 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lai Châu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả bị phát hiện, khiến 12 người bị tước quân tịch. Tương tự, vụ sử dụng “bằng giả” để kê khai làm các hồ sơ cán bộ cũng đã khiến hàng loạt Đảng viên chủ chốt cấp xã ở Quảng Nam bị kỷ luật cách chức...
Từ thực tế này có thể thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ cũng như kiểm soát văn bằng, chứng chỉ hiện nay còn nhiều lỗ hổng và cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Và trước những sai phạm của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh đã bị đề nghị kỷ luật. Tuy nhiên, nhiều người đặt dấu hỏi, vậy trách nhiệm do đâu?
Bàn luận về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nói: "Trước hết, trách nhiệm là do bản thân ông Nguyễn Công Thắng đã gian dối, vi phạm tư cách đảng viên đã làm những điều đảng viên bị cấm. Sau đó là trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Đó là Ban tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bởi đây là chức danh thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng lại để lọt sai phạm nghiêm trọng".
Đồng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Đó là Ban tổ chức Tnh ủy Bắc Ninh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bởi đây là chức danh thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng lại để lọt sai phạm. Do vậy, bên cạnh xử lý trách nhiệm của cán bộ gian dối, còn có trách nhiệm không nhỏ của Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là người đứng đầu Ban Thường vụ.
Ông Hòa cho rằng, là người làm công tác quản lý cán bộ, đặc biệt các cơ quan chuyên chống tham nhũng phải có phẩm chất, đạo đức, phong cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ đó, mới làm gương xử lý được các sai phạm. Và hơn hết, những người này phải chịu sự xử lý của Đảng nhưng cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa để làm gương cho các quan chức khác không muốn, không dám thực hiện những hành vi tương tự.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, đối với những trường hợp vi phạm trong việc sử dụng bằng cấp không đúng, không hợp pháp, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý thật nghiêm minh mới đủ sức răn đe. Không được dung túng, bao che đối với những cán bộ gian dối để tạo lòng tin cho nhân dân.
Từ những phân tích của các chuyên gia, có thể nhìn rộng ra, câu chuyện học giả, bằng thật, mua bán bằng cấp diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Và vấn nạn chạy theo bằng cấp xuất hiện khi xã hội nâng giá trị bằng cấp lên hàng đầu. Đây còn được ví như "giấy thông hành" khi nhiều người muốn xin việc hay củng cố địa vị.
Cũng thực tế này cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều kẽ hở.
Qua đây, chợt nhớ đến nhà thơ Nguyễn Khuyến khi xưa đã lên án về việc học và công nhận bằng cấp của xứ mình thuở ấy qua hình ảnh tiến sĩ giấy: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai/ Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/ Nét son điểm rõ mặt văn khôi/ Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?/ Cái giá khoa danh ấy mới hời/ Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi”.