Vừa dạy học vừa chống bão, dọn dẹp bùn lũ
Nhiều trường học tại Quảng Trị tan hoang sau các cơn bão lũ khiến việc dạy và học vẫn gập ghềnh, thiếu thốn trăm bề. Giáo viên (GV) vừa chống mưa bão, vừa khắc phục thiệt hại trường lớp, dọn dẹp, vệ sinh bùn lầy, cây cối...
Tri ân thầy cô không hoa không quà
Những ngày kỷ niệm 38 ngày Nhà giáo Việt Nam này, các GV của các trường: THCS, tiểu học, mầm non Hướng Việt (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn đang dọn dẹp vệ sinh trường lớp.
Hậu quả của các đợt bão, lũ, sạt lở từ đầu tháng 10 khiến các trường tan hoang, ngập sâu 1-3m, vùi lấp bùn đất, cây cối, bê tông, rác…. Hàng tháng nay, chính quyền cùng Công an, Quân đội, GV lo khắc phục, dọn dẹp, mất nhiều thời gian và việc thiếu thốn các trang thiết bị, sách vở, đồ dùng…
Đa số các GV bám trụ tại địa phương, tại trường để khắc phục, dọn dẹp vệ sinh trường, hỗ trợ học sinh (HS). “Chưa năm nào khủng khiếp, ám ảnh như năm nay khi thiên tai liên tục ập đến. Hai tháng qua, việc dạy và học gần như không thể. Lũ quét, sạt lở khiến HS cũng khó đến trường. Trường mới dạy học trở lại gần 2 tuần nhưng chắp vá. GV vừa bám bản làng, ở trường để khắc phục thiệt hại, giúp phụ huynh.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, GV ở vùng bão lũ như chúng em cơ bản không hề biết hoa, quà tri ân ngoài quà hỗ trợ bão lũ. Phụ huynh, HS cũng bị thiệt hại nặng, phải tất bật lo khắc phục, ổn định, tái thiết lại cuộc sống”, cô Nguyễn Hoàng Anh Thư – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hướng Việt bày tỏ.
Việc học tại xã Húc (huyện Hướng Hóa) cũng trắc trở khi địa phương này bị cô lập, chia cắt nhiều ngày. Khu nhà bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Húc (nằm sau dãy nhà của trụ sở UBND xã) vẫn còn ngổn ngang đống đất, đá, cây cối khổng lồ. Việc dọn dẹp bùn đất được tích cực thực hiện nhưng chỉ được một phần. Các GV vừa khắc phục, vệ sinh trường vừa bố trí cho các HS ở bán trú tại các nhà dân; đến từng nhà vận động học trò đến trường.
Điểm Trường Tiểu học và Mầm non bản Cu Dông (xã Húc) cũng mới dạy và học trở lại nhưng tình trạng chắp vá, thiếu thốn trăm bề của GV và HS. Các trường bị lũ, bùn đất, cây cối vùi lấp gây hư hỏng nặng và hiện vẫn đang mong manh, chênh vênh bên các quả đồi, cạnh là suối lớn. Nhà ở của các em HS cũng bị thiệt hại, bị chia cắt nên HS đi học rất hạn chế.
Bám trường bám lớp, bám bản làng
Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, các xã: Hướng Phùng, Hướng Lập; Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị cô lập. Thiệt hại tài sản trường học gần 60 tỷ đồng với 308 điểm trường (gần 900 phòng học, nhà ở, nhà bán trú hư hỏng nặng)...
Nhiều trường học xây dựng đã lâu nên xuống cấp và khi mưa lũ liên tục thì hư hỏng nặng, nguy cơ gây nguy hiểm cho GV và HS. Việc dạy và học trở lại trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, máy móc, sách vở, đồ dùng.
Chưa kể việc nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề, có nhiều nhà bị sập, hư hại, mất mát hết tài sản nên HS vẫn chưa ổn định tâm lý, tinh thần để đi học lại. Nguy cơ nhiều HS bỏ học rất hiện hữu.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: “Việc dạy và học ở nhiều trường tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa vẫn trở ngại khi các GV cùng lực lượng vũ trang, nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Gần như toàn bộ các cán bộ, GV đều ăn ở, sinh hoạt ngay tại các địa phương, ngay tại trường để khắc phục thiệt hại, dọn dẹp sau bão lũ; hỗ trợ nhân dân và HS trên địa bàn”…
Sở GD&ĐT Quảng Trị vừa có công văn về việc không tổ chức tiếp khách, nhận hoa chúc mừng tại cơ quan nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời để tiếp tục tập trung tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục hậu quả bão, lũ.
Hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng đã được huy động về các trường để cùng các GV dọn dẹp vệ sinh, khắc phục thiệt hại. Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Trị thực hiện Chiến dịch thanh niên tình nguyện khắc phục hậu quả mưa lũ với sự tham gia của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên các đơn vị, các lực lượng, ban ngành đoàn thể để giúp các trường và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại: sửa chữa, xây dựng nhà cửa; di dời bà con; tặng quà, nhu yếu phẩm; dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thôn bản; tái thiết sau cuộc sống sau lũ; nâng bước chân em đến trường...
Về lâu dài, các trường học ở Quảng Trị cũng như các tỉnh miền Trung bị thiệt hại rất nặng nề trong những cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ trong 2 tháng qua rất cần sự đầu tư kinh phí để sửa chữa, xây dựng ở vị trí an toàn hơn; hỗ trợ, động viên GV yên tâm bám trường, bám lớp; có các hành động thiết thực qua các chương trình “Nâng bước chân em đến trường”, “Chắp cánh ước mơ”… để hỗ trợ, giúp đỡ các HS của các gia đình bị thiệt hại, có điều kiện hơn để đến trường.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/vua-day-hoc-vua-chong-bao-don-dep-bun-lu_103280.html