'Vua hầm' Đèo Cả nhắm đến đường sắt tốc độ cao, metro
Đây là chiến lược được Tập đoàn Đèo Cả hướng đến trong giai đoạn 2025 - 2030 vừa được thông tin tại Đại hội cổ đông sáng 20/6.
Tại đại hội, Tập đoàn Đèo Cả đã công bố chiến lược phát triển trong năm 2023 và giai đoạn 2025 - 2030.
Năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả đã chi hơn 1.000 tỷ đồng mua máy móc thiết bị hiện đại phục vụ thi công dự án giao thông lớn như cao tốc Mai Sơn - QL45, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Trường Vinh, Thung Thi...
Qua năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành tin tưởng và chỉ định là tổng thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng.
Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Tiếp đó, Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.
Giai đoạn 2023 - 2025, Tập đoàn tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau…
Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025.
Song song với việc tăng quy mô hoạt động thi công xây lắp, Đèo Cả tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư, tiếp tục xúc tiến triển khai các dự án PPP đang nghiên cứu tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang…
Để phục vụ cho khối lượng công việc khổng lồ trên, dự kiến năm 2023, Tập đoàn tuyển dụng hơn 2.300 nhân sự.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, Đèo Cả định hướng chiến lược và việc xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là loại công trình hạ tầng giao thông có giá trị rất lớn, công nghệ cao.
Để chuẩn bị nắm bắt cơ hội này, Đèo Cả đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina… phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, chuẩn bị đủ năng lực tổ chức để đấu thầu.
Ngoài ra, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình tối ưu sản xuất của các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để đảm bảo hiệu quả đầu tư và thi công, qua đó đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông.