Vui cùng sóng nước Tam Giang

Để quảng bá tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh của hệ đầm phá Tam Giang, Ban Tổ chức Festival Huế và huyện Quảng Điền tổ chức Lễ hội 'Sóng nước Tam Giang' năm 2024.

Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" diễn ra tại bờ phá Tam Giang thơ mộng thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" diễn ra tại bờ phá Tam Giang thơ mộng thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" diễn ra trong 3 ngày (ngày 8 đến ngày 10/6) trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Những ngày lễ hội sôi động trên phá Tam Giang

Đêm khai mạc Lễ hội (tối 8/6) diễn ra tại bờ phá Tam Giang thơ mộng thuộc huyện Quảng Điền, được dàn dựng công phu với các hoạt cảnh, màn biểu diễn dựa trên 3 phần "Ký ức Quảng Điền, Hương sắc Quảng Điền, Tam Giang ngày mới" gợi nhớ truyền thống quê hương, tình yêu mảnh đất con người, yêu cuộc sống, yêu lao động.

Đặc biệt, các tiết mục nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu nổi trên mặt nước phá Tam Giang càng làm cho đêm hội lung linh, huyền ảo. Hàng nghìn khán giả, khách mời gần xa bày tỏ sự hứng thú khi được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đặc trưng của miền quê sông nước Tam Giang - Quảng Điền với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cùng sự hiện diện của các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng.

Ngoài chương trình nghệ thuật đêm khai mạc, đến với Lễ hội "Sóng nước Tam Giang", người dân và du khách được tham gia và trải nghiệm văn hóa truyền thống vùng quê ven phá như hò bả trạo, hô hát bài chòi, múa náp…; hòa mình vào không khí sôi động của các hoạt động thể thao như đua ghe trên phá Tam Giang, hội vật, bóng chuyền, bóng đá, bi sắt, đẩy gậy, bịt mắt đập om, đi cầu khỉ, bắt vịt trên phá và trò chơi dân gian khác.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội lần này, lần đầu tiên đưa vào trải nghiệm bộ môn dù lượn và chèo súp bắt trìa trên phá Tam Giang, chợ quê Quảng Điền, hội chợ sản phẩm Hoàng Mai Huế và chuỗi các hoạt động hưởng ứng du lịch biển ở bãi biển Tân Mỹ, Cương Giáng…

Trong đó, đáng chú ý là giải đua ghe được tổ chức vào sáng ngày 10/6 trên phá Tam Giang quy tụ hơn 400 vận động viên đến từ các địa phương (Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Phước và thị trấn Sịa). Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt thể lực, cũng như chiến thuật, các đội đua tại giải năm nay có sự so kè quyết liệt trong mỗi chặng đua. Trên bờ cổ động viên reo hò, đánh trống theo từng mái chèo của các đội, làm náo nhiệt cả một khúc sông.

Giải đua ghe sóng nước Tam Giang năm 2024 là hoạt động truyền thống trong dịp lễ hội vùng đầm phá Tam Giang, là dịp để người dân rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết giữa các địa phương; góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống đã có từ bao đời của dân tộc.

Các hoạt động tại Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự

Các hoạt động tại Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự

Sau 3 ngày tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật thể thao sôi nổi, lễ hội "Sóng nước Tam Giang" đã khép lại với chương trình nghệ thuật bế mạc sôi động vào đêm 10/6. Các hoạt động tại lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham quan, vui chơi và giao lưu, tạo không khí vui tươi, sôi nổi tại các điểm diễn ra lễ hội.

Chương trình văn nghệ đêm khai mạc và bế mạc với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ trên sân khấu giữa mênh mông sóng nước, sự lung linh huyền ảo của phá Tam Giang, các hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức đã đem đến cho du khách những cảm nhận và ấn tượng đẹp, khó phai về vùng quê Quảng Điền.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay, "Sóng nước Tam Giang" năm 2024 là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh của địa phương, về văn hóa, kinh tế, du lịch của huyện Quảng Điền. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo riêng có của vùng quê sông nước Quảng Điền và những tiềm năng to lớn của hệ đầm phá Tam Giang.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của hệ đầm phá Tam Giang

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài hơn 128 km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng từ 1 - 10 km; bao gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc địa phận thành phố Huế và 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Tổng diện tích đất tự nhiên và mặt nước khoảng 1.024 km2 (chiếm 21% diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế), với dân số trên 332.000 người (chiếm 29% dân số của tỉnh).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đề ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, đầm phá quốc gia.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất quan trọng, cần thiết, đảm bảo phù hợp với giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề án đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua, hướng đến mục tiêu xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước; tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành "Công viên đầm phá Quốc gia'' có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Nhật Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/vui-cung-song-nuoc-tam-giang-102240611110757203.htm