Vùng Đông Nam Bộ: Xây dựng các tuyến cao tốc đang hết sức cấp bách
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, để gỡ những 'nút thắt' giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 NQ-TW Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, vùng Đông Nam Bộ, ngày 26/11.
Dự báo nhu cầu vận tải vượt xa năng lực đáp ứng
Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định vùng Đông Nam Bộ có đầy đủ 5 phương thức vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Hệ thống hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải. Hạ tầng hàng không sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải sau khi đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự báo nhu cầu vận tải trong giai đoạn đến năm 2030 cho thấy sẽ vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ hiện nay. Giao thông vùng vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên Vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ.
Các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã mãn tải, trong khi hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai rất chậm, chỉ mới đưa vào khai thác 95 km/911 km cao tốc theo quy hoạch.
"Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các cửa ngõ ra vào thành phố, tại các tuyến kết nối đến cảng biển, cảng hàng không ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là "nút thắt" ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của Vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là công tác lập quy hoạch thiếu tính liên kết, chưa đồng bộ giữa các chuyên ngành; kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giữa các địa phương trong Vùng còn thiếu đồng bộ, chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng.
Thiếu các cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực và nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; chưa đẩy mạnh công tác phân cấp về đầu tư, quản lý khai thác hạ tầng giao thông; việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP các dự án giao thông vận tải chưa thực sự hiệu quả.
Khoảng 413.000 tỷ đồng đầu tư 772 km đường cao tốc cho Vùng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ).
Trong giai đoạn này, phấn đấu nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772 km, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2026, tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải với tổng nhu cầu vốn khoảng 167.746 tỷ đồng.
Giai đoạn còn lại, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong Vùng theo quy hoạch được duyệt cụ thể là đường vành đai 4 TP HCM và các tuyến cao tốc, với tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu ra 5 giải pháp cần tập trung triển khai gồm: Đổi mới tư duy của các tỉnh, thành phố trong công tác quy hoạch, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng.
Tiếp đến là thực hiện phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn.
Mỗi địa phương phải đề xuất cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; khai thác có hiệu quả quỹ đất gắn với các dự án đầu tư.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, kịp thời đưa vào sử dụng các loại nguyên, vật liệu thay thế.