Vướng mắc trong công tác giám định tư pháp
Giám định tư pháp (GĐTP) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng và đời sống xã hội. Đây là nguồn chứng cứ khoa học quan trọng, kết luận GĐTP giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, chính xác và nhanh chóng. Tuy nhiên, công tác phối hợp trong trưng cầu GĐTP còn vướng mắc, bất cập.
Theo Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tổ chức GĐTP công lập (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y), 2 tổ chức giám định theo vụ việc (Trung tâm Tư vấn và Kiểm định xây dựng, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và giao thông). Theo Luật GĐTP, cùng các văn bản liên quan của bộ chủ quản, UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận người giám định theo vụ việc.
Năm 2018 đến nay, đội ngũ giám định viên trên địa bàn tỉnh tăng 48 người. Cụ thể, trong 98 giám định viên tư pháp, nhiều nhất ở lĩnh vực kỹ thuật hình sự (22 người), thuế (15 người), ngân hàng (12 người), pháp y (10 người)... GĐTP theo vụ việc có 12 người, tăng 6 người. Sử dụng kiến thức, nghiệp vụ, phương pháp khoa học, kỹ thuật, hoạt động GĐTP kết luận về chuyên môn. Bằng nguồn chứng cứ, cơ sở khoa học, kết luận GĐTP góp phần quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp kiểm sát điều tra 204 vụ, 189 bị can, liên quan đến tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định 220 quyết định; có kết quả giám định 117 quyết định, chưa có kết quả 1 quyết định. Không có trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân phải trực tiếp trưng cầu giám định, hoặc Tòa án nhân dân trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì lý do giám định chưa thuyết phục. Cơ quan cảnh sát điều tra ban hành 220 quyết định trưng cầu giám định trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, có kết quả giám định 117 quyết định, 2 yêu cầu bị Sở Tài chính từ chối tiếp nhận giám định. Tòa án nhân dân 2 cấp không phát sinh trường hợp trưng cầu để giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, do đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện ở giai đoạn tố tụng trước đó.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác trưng cầu giám định, một số ý kiến cho biết, giám định viên còn kiêm nhiệm, ít được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; phương pháp giám định chuyên sâu, quá trình giám định dựa vào kiến thức chuyên môn; văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực GĐTP còn chồng chéo, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Một số cơ quan chuyên môn chưa thực sự chủ động tham mưu thực hiện GĐTP theo quy định. Công tác phối hợp, báo cáo hoạt động GĐTP chưa đầy đủ, toàn diện, cơ sở vật chất GĐTP công lập còn thiếu máy móc, thiết bị phụ trợ giám định chuyên sâu. Giám định viên tư pháp cần bảo đảm điều kiện làm việc, tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Chủ trì phối hợp Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp xây dựng và ban hành Quy chế 02/QCPH-STP-CAT-TANDT-VKSNDT, ngày 24/7/2018 trong công tác trưng cầu GĐTP giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, thường trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn, thống nhất nội dung, tạo thuận lợi trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm; tổ chức và hoạt động GĐTP đi vào nền nếp, kết luận GĐTP khách quan. Viện Kiểm sát nhân dân chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm, bảo đảm quyết định trưng cầu khách quan, cần thiết, góp phần giải quyết vụ án đúng quy định.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận trưng cầu giám định, cử người làm giám định, tổ chức giám định, thời hạn trả kết quả giám định một số cơ quan, tổ chức còn chậm, kết luận chung chung. Các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn, cần thời gian giám định dài, nhưng quy định pháp luật chưa rõ, ảnh hưởng đến công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định. Đối với thuốc lá điếu nhập lậu (hàng cấm), chưa có cơ quan chuyên môn giám định. Đặc biệt, xuất hiện việc lạm dụng giám định, chưa phân biệt đâu là giám định, đâu là áp dụng pháp luật...
Theo Sở Tư pháp, để làm tốt công tác trên, cần tiếp tục kiện toàn giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc, hoàn thiện tổ chức GĐTP, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên môn để nâng chất cho đội ngũ này. Với những vụ việc cần giám định về tài chính, thuế, ngân hàng, các cơ quan, tổ chức giám định cần quan tâm chỉ đạo đơn vị, cá nhân bảo đảm thời gian giám định kịp thời, chủ động phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vướng mắc trong trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định.
Với những vụ việc phức tạp, có thể trưng cầu giám định đến bộ, ngành Trung ương hoặc tổ chức giám định ngoài công lập, đồng thời có chế định quy định những loại việc không nhất thiết giám định để tránh lạm dụng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý về GĐTP chỉ đạo tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám định nhanh chóng, kịp thời, đúng theo quy định.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vuong-mac-trong-cong-tac-giam-dinh-tu-phap-a410091.html