Vượt khó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Nông nghiệp tỉnh nên năm 2021, hoạt động xuất khẩu vẫn tiếp tục được duy trì, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc thu hoạch xà lách xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc thu hoạch xà lách xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 696,31 triệu USD, giảm 1,72% so với cùng kỳ năm trước và đạt 85,44% kế hoạch năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê nhân, chè chế biến, rau, củ, quả các loại, hạt điều nhân và hoa các loại ước đạt 233,86 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 33,6% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

GIẢM CẢ LƯỢNG LẪN GIÁ TRỊ

Cụ thể, mặt hàng cà phê nhân dự ước sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 đạt 53,6 ngàn tấn, giá trị 103,52 triệu USD, giảm 46,13% về lượng và 32,67% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; trong đó, một số thị trường tiêu thụ chủ yếu là Tây Ban Nha, Đức, Ý, Anh, Ukraina, Nga, Georgia… Mặt hàng chè chế biến dự ước sản lượng chè xuất khẩu năm 2021 đạt 7,1 ngàn tấn và ước đạt giá trị 13,01 triệu USD, giảm 20,71% về lượng và giảm 38,69% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; các thị trường tiêu thụ như Đài Loan, Pakistan và Afganistan vẫn là thị trường xuất khẩu chính của tỉnh với các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là chè xanh, chè đen, chè Oolong và chè lên men.

Trong khi đó, mặt hàng rau, quả dự ước sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và một số nước khác trong năm 2021 là 26,91 ngàn tấn, đạt giá trị 52,93 triệu USD, giảm 22,13% về lượng và 12,85% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hạt điều nhân xuất khẩu ước đạt 890 tấn, đạt 7,42 triệu USD, giảm 33,7% về lượng và 21,31% về giá trị; thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ. Mặt hàng xuất khẩu hoa các loại ước đạt 237 triệu cành và chậu hoa các loại với kim ngạch 57 triệu USD, giảm 36,01% về lượng và 2,91% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; mặt hàng hoa xuất khẩu chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện như Công ty Đà Lạt Hasfarm, Apollo, Nhật Việt, Hoa Trường Xuân với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan.

Theo đánh giá của Sở Công thương, nhìn chung, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đều gặp nhiều khó khăn và giảm cả về lượng lẫn giá trị. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và đứt gãy. Thêm vào đó, giá nguyên liệu, cước phí vận chuyển tăng cao, một số doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện “3 tại chỗ” dẫn đến hoạt động sản xuất, chế biến nông sản bị gián đoạn…

THÍCH ỨNG, TÌM HƯỚNG ĐI LÂU DÀI

Từ trong khó khăn, đã có không ít các doanh nghiệp đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước và lợi thế từ các hiệp định thương mại được ký kết để phục hồi sản xuất, nỗ lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021.

Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc chia sẻ: Xác định con đường xuất khẩu nông sản là hướng đi lâu dài, bền vững, nên từ năm 2015, Công ty đã tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc. Nhờ chủ động nguồn khách hàng ổn định, cùng với việc không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng cường đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch mà sản lượng xuất khẩu rau xà lách của Công ty sang thị trường Hàn Quốc liên tục tăng qua các năm.

Theo ông Tô Quang Dũng, nếu như năm 2016, Công ty chỉ xuất khẩu được hơn 10 tấn rau xà lách thì trong năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện đưa 30 container với sản lượng hơn 160 tấn rau sang Hàn Quốc. Riêng trong năm 2021, Công ty đã ký hợp đồng thương mại xuất khẩu rau xà lách thủy canh cho các đối tác Hàn Quốc với giá thành 2,45 USD/kg. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp thu về 33.000 đồng/kg xà lách xuất khẩu, đạt doanh thu hơn 5,2 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đang đàm phán với các đối tác khách hàng để thống nhất sản lượng xuất khẩu trong năm 2022, dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay doanh nghiệp đối mặt khi thực hiện xuất khẩu qua đường biển là chi phí vận chuyển, logistics tăng cao từ 2-3 lần.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng hoạt động xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp vẫn được duy trì ổn định. Ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty cho biết: Trong năm 2021, Công ty đã xuất khẩu tổng cộng hơn 2.500 tấn cà phê đã qua chế biến và cà phê nhân chất lượng cao cho các thị trường truyền thống như: Anh, Mỹ, Ukraina và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Philippines, Thái Lan.

“Đây cũng là năm thứ 2 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, bên cạnh việc chỉ đạo cán bộ, công nhân, người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch, đơn vị tăng cường hoạt động kinh doanh, marketing sản phẩm qua hình thức online, telesale; lên kế hoạch để thu mua nguyên liệu sớm, phòng tránh trường hợp quá trình vận chuyển bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đồng thời, đầu tư thêm hệ thống máy sấy, đẩy nhanh tiến độ sản xuất và thu mua, bảo đảm đủ đơn hàng, nhờ đó Công ty duy trì và giữ vững thị phần xuất khẩu cà phê” - ông Trình cho hay.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202201/vuot-kho-day-manh-xuat-khau-nong-san-3098867/